Cách chụp ảnh sắc nét như thế nào?

Hướng dẫn cách chụp ảnh sắc nét

Mình thường nhận được câu hỏi như, cách chụp ảnh sắc nét như thế nào? Hay cách chụp ảnh không bị out nét? Một số bạn còn gửi ảnh, mình thấy đa số chụp không nét. Nhiều bạn đang làm nghề ảnh, chụp cũng không nét. Đôi khi thua cả điện thoại chụp tự động. Mình thấy cần chia sẻ những kinh nghiệm thực tế. Hy vọng giúp bạn chụp ảnh tốt hơn.

1. Nguyên nhân chụp ảnh không sắc nét

Cách chụp ảnh sắc nét
50mm 1/160s f/4.5 ISO 100 FLASH ON

Mình bắt đầu sử dụng máy ảnh DSLR năm 2014. Và nhận thấy rằng, chụp bằng máy ảnh khó hơn điện thoại rất nhiều. Mình chụp vài ngàn ảnh trong 5 tháng sau đó, không ảnh nào nét như mong đợi. Mình tin, bạn cũng trải qua điều tương tự nhiều tháng hoặc nhiều năm sau khi mua máy.

Trong buổi chụp với cô bạn trên ảnh. Mình chụp rất nhiều, một số ảnh cũng nét, nhưng không hài lòng lắm. Đến khi thấm mệt, mình nói “để anh chụp thêm ảnh nữa”. Mình chỉ muốn thử nghiệm xem như thế nào thôi. Bạn cũng thấy cô ấy rất mệt phải không?

Chụp ảnh sắc nét trên máy ảnh Nikon
50mm 1/160s f/4.5 ISO 100 FLASH ON

Thật tuyệt, bức ảnh nét nhất từ khi mua máy. Mình thích thú nhìn từng chi tiết trên gương mặt cô ấy. Mình muốn trải nghiệm cảm giác thích thú nhiều lần nữa. Nên dành thời gian tìm hiểu nguyên nhân làm ảnh không nét và phát hiện được nhiều vấn đề. Trong đó bao gồm ống kính, cầm máy, tốc độ, khẩu độ và iso.

Còn nhiều nguyên nhân vụn vặt làm ảnh không nét như mong đợi. Nếu bạn đang trải qua những điều như vậy, thì tham khảo phần tiếp theo. Hy vọng giúp bạn chụp ảnh sắc nét hơn và tự tin với kỹ năng, thiết bị đang có. Không phải nghe nhắc khéo “chụp thua cả điện thoại nữa”.

2. Vệ sinh ống kính để chụp ảnh sắc nét hơn

Vệ sinh ống kính để chụp ảnh sắc nét

Qua trải nghiệm thực tế, mình thấy ống kính là nguyên nhân chính làm ảnh không nét. Trong đó ống kính bẩn, vân tay, dầu mỡ. Đặc biệt, mình thấy nhiều ống kính mốc. Để dễ hiểu hơn, mình lấy ví dụ một người bạn bị cận.

Trong một lần đi chơi, mình thấy bạn đó tháo kính ra. Thoáng qua, mình thấy kính loang vết dầu, vân tay. Mình lấy giấy lau ống kính đưa cho bạn. Sau khi vệ sinh cặp kính, bạn thích thú nhìn ngắm xung quanh và nói “lâu rồi mới thấy mọi thứ rõ ràng như thế”.

Ống kính bị mốc làm ảnh không sắc nét

Ống kính máy ảnh cũng giống như đeo kính vậy. Mọi thứ cảm biến nhận được phải đi qua ống kính. Bạn không thể chụp ảnh sắc nét nếu ống kính bị bẩn, dầu mỡ, vân tay. Tất nhiên không thể chụp ảnh sắc nét với ống kính bị mốc.

Vệ sinh ống kính trước khi chụp ảnh để có chất lượng tốt hơn

Qua những trải nghiệm như vậy. Mình thấy rằng, chúng ta nên vệ sinh ống kính thật sạch trước khi chụp. Bạn có thể sử dụng giấy lau, lenspen hoặc da cừu. Bạn dùng gì cũng được. Nhưng hãy cẩn thận tránh trầy xước.

Bạn vệ sinh sạch bao nhiêu, thì chụp ảnh nét hơn bấy nhiều. Tất nhiên, còn giúp hệ thống lấy nét hoạt động hiệu quả hơn. Tham khảo cách chỉnh hệ thống lấy nét bằng AF Fine-tune. Như vậy, chúng ta cần vệ sinh ống kính thật sạch trước khi đi chụp ảnh nhé.

3. Vệ sinh Sensor để chụp ảnh nét hơn

Vệ sinh cảm biến đề chụp ảnh sắc nét

Cảm biến máy ảnh giống mắt của bạn. Thực ra giống bộ máy ảnh hoàn chỉnh hơn. Bạn nhìn mờ hơn trong môi trường ẩm ướt, nhiều bụi phải không? Cảm biến cũng giống như vậy. Bạn không thể chụp ảnh sắc nét như mong đợi, khi cảm biến bị bụi bẩn, dầu mỡ. Đây là điều không thể tránh được sau nhiều năm sử dụng máy ảnh.

Chúng ta nên vệ sinh cảm biến thật sạch để có ảnh sắc nét nhất. Qua kinh nghiệm thực tế, mình thấy nên sử dụng bộ vệ sinh Sensor chuyên dụng. Bởi vì kích thước phù hợp với cảm biến. Được thiết kết mềm mại kèm dung dịch làm sạch dầu mỡ. Giúp bạn vệ sinh cảm biến dễ hơn nhiều và không để lại một lớp loang trên bề mặt.

Lưu ý, không vệ sinh cảm biến bằng cồn hoặc chất tẩy rửa bình thường. Như vậy, để chụp được bức ảnh sắc nét nhất. Chúng ta phải vệ sinh ống kính và cảm biến. Giữ chúng trong tình trạng hoàn hảo. Nhưng vẫn còn nhiều nguyên nhân chụp ảnh không sắc nét. Chúng ta qua phần tiếp theo.

4. Sử dụng ống kính chất lượng tốt hơn

Sử dụng ống kính chất lượng cao để chụp ảnh sắc nét

Chúng ta thường mua ống kính kèm theo máy ảnh. Chúng mang lại chất lượng ảnh khá tốt. Sau một thời gian, bạn sẽ phát hiện ra ống kính nhỏ nhưng đắt hơn nhiều. Thậm chí đắt hơn vài chục lần so với chiếc bạn đang sử dụng. Chúng có gì đặc biệt mà đắt vậy?

Một điều mình cảm nhận được là chúng mang lại chất lượng ảnh tốt hơn. Đặc biệt ống kính một tiêu cự, ví dụ như Nikon 50mm f/1.8G. Bạn sẽ thấy ảnh nét hơn rất nhiều so với ống kính theo máy như Nikon AF-S 18-105mm hay Nikon AF-P 18-55mm.

Chúng ta thấy viền ảnh nét, ít méo, ít viền tím và cấu tạo đơn giản hơn. Nhìn bên ngoài thì nhỏ, cảm giác rẻ tiền. Nhưng mang lại chất lượng ảnh rất tốt. Nếu bạn muốn chụp ảnh sắc nét nhất. Hãy mượn ống kính tiêu cự cố định hoặc ống kính giá cao hơn một chút. Để so sánh với ống kính bạn đang có. Nếu cùng một cách chụp, cùng điều kiện mà cho ảnh tốt hơn. Có lẽ đến lúc bạn nâng cấp ống kính rồi.

Hãy lưu ý, khi đổi sang ống kính một tiêu cự như Nikon 50mm f/1.8G. Bạn sẽ thấy ảnh nét hơn nhiều. Nhưng khi thử ống kính đắt hơn như Nikon 24-70mm f/2.8 hoặc ống kính 85mm f/1.4G.

Bạn sẽ thấy ảnh không nét hơn bao nhiêu so với Nikon 50mm f/1.8G. Thậm chí không cảm nhận được những khác biệt này. Hãy cân nhắc chi phí và lợi ích mang lại. Nếu bạn cần độ nét và màu sắc tốt, thì ống kính một tiêu cự quá đủ rồi. Như vậy, chúng ta cần sử dụng ống kính chất lượng tốt trong khả năng của mình nhé. Đây là cách dễ nhất để chụp ảnh sắc nét hơn.

5. Cầm máy ảnh đúng cách để chụp ảnh sắc nét hơn

Những cách cầm máy ảnh

Mình thấy để chụp một bức ảnh sắc nét nhất. Chúng ta phải kết hợp thiết bị, thông số và kỹ năng nữa. Trong đó, bạn phải biết cách cầm máy đúng cách. Vậy thế nào là đúng cách? Chúng ta cùng nhìn bức ảnh phía trên, bạn thấy mỗi người cầm một kiểu đúng không? Thực tế, còn nhiều kiểu lạ hơn nữa.

Không cầm máy ảnh bằng một tay

Bạn thích kiều nào trong đó? Hay thích cầm máy một tay như ảnh này? Cho dù bạn thích cách nào, thì phải giữ máy ảnh ổn định nhất trong khả năng của mình. Và không nên cầm một tay như minh hoạ. Đó là cách đơn giản nhất để có một bức ảnh mờ nhoè. Tại sao lại như vậy?

Bởi vì, một bộ máy ảnh thường nặng 1kg đến vài kg. Đa số không đủ sức giữ ổn định trong vài giây bằng một tay. Chẳng những vậy, bạn không chỉ cầm máy, mà còn phải ngắm, lấy nét và chụp ảnh nữa.

Chắc chắn bạn sẽ rất mỏi và bị rung tay, dẫn tới ảnh bị mờ. Hiện tại, mình không chụp ảnh bằng một tay, ngay cả khi chụp bằng máy ảnh bỏ túi hay điện thoại. Đây là cách tốt nhất để có một bức ảnh đáng vứt vào thùng rác. Vậy cầm máy ảnh như thế nào cho đúng?

Cầm máy ảnh đúng cách giúp ảnh nét hơn

Mình thấy rằng, chúng ta cần tạo điểm tỳ vững chắc cho máy ảnh. Trong đó, bạn đứng hai chân cách xa nhau một chút. Để giữ cho toàn bộ cơ thể ổn định. Không đứng hai chân chụm vào nhau. Sau đó, dùng một tay đỡ thân máy và ống kính. Đặt tay ở vị trí trọng tâm, nơi bạn cảm nhận được trong lượng của máy được chia đều tại đó. Máy ảnh không nghiêng ra trước hoặc sau. Tay này chịu lực toàn bộ máy ảnh. Bạn nên co tay như minh hoạ, sẽ ổn định hơn đưa tay xa cơ thể.

Mặt sau của thân máy đỡ bằng mặt của bạn. Tay còn lại chỉ giữ nhẹ thôi, đừng gồng lên như tay kia. Bởi vì, chúng ta phải để tay thoải mái còn lấy nét và chụp ảnh nữa. Nếu gồng lên, bạn sẽ bấm rất mạnh, làm thay đổi vị trí. Bạn không thể chụp được ảnh sắc nét. Trừ khi gặp may.

Như vậy, máy ảnh tựa vào 3 điểm trên cơ thể. Trong thời gian đó, bạn giữ cơ thể ổn định, thư giãn. Không phải gồng lên như tập tạ đâu. Trong lúc này, chúng ta thở đều, lấy nét vào gương mặt người mẫu.

Sau khi lấy nét xong, tránh thay đổi vị trí của bạn so với người mẫu. Bởi vì, bạn chỉ cần thay đổi vài milimet, trường ảnh bị lệch ra trước hoặc sau. Bạn sẽ thấy nét vào mũi hoặc tai của người mẫu, mà không phải mắt của cô ấy. Vậy bấm máy như thế nào?

Một trong những sai sót đáng tiếc là bấm quá mạnh, với cái đầu căng như dây đàn. Bạn thường bấm máy khi hít vào, thở ra, hay nhịn thở luôn? Mình thấy rằng, chúng ta nên thở đều, giữ cơ thể thư giãn và bấm máy khi đang nhẹ nhàng thở ra.

Bấm máy một cách nhẹ nhàng nhưng dứt khoát. Không phải bấm bạo lực đến cạch một cái, không phải kiểu bấm trong lo sợ rồi nhả ra. Kiểu mấy thanh niên mới lớn, vào được một nửa, rồi ngại ngùng rút ra vậy. Mà đẩy ngón tay nhẹ nhàng, đều đều đến khi nghe tiếng tạch một cái là xong. Để máy ảnh không bị rung trong khi bấm máy. Như vậy, bạn sẽ có ảnh sắc nét hơn nhiều.

Khi thực hành đến mức hoàn hảo. Bạn sẽ thấy máy ảnh ổn định trong suốt quá trình này. Gần như không thấy khác biệt khi cầm tay hay sử dụng chân máy. Mình đã thử nhiều cách, nhưng đây là cách phù hợp nhất.

Trường hợp tay yếu thì dựa vào tường hoặc ngồi trên vị trí ổn định để có ảnh sắc nét hơn. Và trong thực tế, bạn nên rèn luyện sức khoẻ để cầm máy chắc chắn hơn. Một anh chàng mảnh mai cầm máy ảnh rất lãng tử. Nhưng tốt hơn hết, anh ta nên tập GYM. To hơn có ảnh nét hơn và mấy cô gái thích to đẹp hơn đấy.

Mình đã thử thấy đúng như vậy, khi bạn đủ sức nâng tạ 50-100 Kg. Thì cầm máy ảnh nhẹ nhàng như không có gì trên tay vậy. Như vậy, để có bức ảnh sắc nét nhất. Chúng ta phải kết hợp giữa thiết bị, kỹ năng cầm máy và cải thiện sức khoẻ nữa. Bạn có kinh nghiệm gì muốn chia sẻ không? Mình tạm dừng phần này tại đây nha.

6. Sử dụng Tripod để chụp ảnh sắc nét hơn

Sử dụng chân máy để chụp ảnh không bị out nét

Chúng ta không thể cầm máy ảnh khi chụp phơi sáng. Do tốc độ chụp có thể lên tới vài phút. Tất nhiên, còn nhiều thể loại ảnh không thể cầm trên tay. Ví dụ chụp Timelapse, chụp thác nước hay chụp HDR. Những thể loại này cần máy ảnh ổn định trong một thời gian dài. Cho nên, chúng ta cần sử dụng chân máy, thường gọi là tripod (3 chân). Một số loại tiện dụng hơn là monopod (1 chân).

Sử dụng Tripod để chụp ảnh sắc nét

Bạn nên sử dụng chân máy phù hợp với máy ảnh. Ví dụ, bạn sử dụng máy ảnh nặng kèm ống kính nặng khoảng 3kg. Thì sử dụng chân máy chịu tải cao hơn 3kg, tốt hơn thì 6kg. Chúng thường to nặng, giúp máy ảnh ổn định trong môi trường biển, gió, cát.

Chân máy vẫn phát huy tác dụng khi chụp chân dung. Ví dụ, bạn chụp ảnh trong Studio, mọi thứ ổn định, từ vị trí người mẫu, đến ánh sáng. Nếu buổi chụp không thay đổi quá nhiều. Hãy sử dụng chân máy để chụp ảnh sắc nét nhất.

Trường hợp bạn cần thay đổi góc chụp thường xuyên, hãy cân nhắc sử dụng monopod. Trong thực tế, mình thấy nhiều anh chị sử dụng monpod khi chụp chân dung. Như vậy, ngoài kỹ năng cầm máy. Chúng ta có thể kết hợp chân máy để chụp ảnh sắc nét nhất.

7. Cài đặt độ phân giải và chất lượng ảnh cao hơn

Cài đặt chất lượng ảnh cao nhất để sắc nét hơn

Hiện nay, máy ảnh có độ phân giải từ 12 đến 48 Megapixel. Bạn nên sử dụng độ phân giải cao nhất trong máy ảnh. Để sử dụng toàn bộ bề mặt cảm biến và có nhiều chi tiết hơn.

Khi bạn chụp bị rung một chút. Bạn chỉ thấy những rung động trên ảnh độ phân giải cao nhất. Khi xuất kích thước nhỏ cho Facebook, Flickr. Bạn sẽ thấy ảnh rất sắc nét. Bởi vì phần mềm đã lấy mẫu và nén ảnh lại rồi. Không thể nhận ra rung động, làm mờ ảnh như xem với độ phân giải gốc.

Cài đặt độ phân giải để chụp ảnh nét hơn

Bên cạnh đó, chúng ta nên sử dụng RAW+JPG. Tại sao phải làm như vậy? Ảnh JPG được xử lý trong máy ảnh. Bao gồm điều chỉnh màu sắc, độ nét và nén. Bạn sẽ thấy ảnh JPG nét hơn ảnh RAW. Nhưng máy ảnh sử dụng bộ xử lý khá yếu. Chúng ưu tiên tốc độ hơn chất lượng ảnh JPG. Bạn sẽ thấy ảnh JPG không thật sự đẹp lắm.

Chúng ta sử dụng ảnh RAW để giữ nhiều chi tiết. Sau đó xử lý trên Lightroom, Photoshop. Bạn có thể tăng độ nét và kiểm soát những phần muốn nét nhất trên ảnh. Mà không làm ảnh vỡ hoặc mất chi tiết như ảnh JPG. Như vậy, chúng ta cần sử dụng độ phân giải và chất lượng ảnh cao nhất nhé.

8. Cài đặt chế độ lấy nét phù hợp với chủ thể

Cài đặt chế độ lấy nét phù hợp với mục đích chụp ảnh

Trong những ngày mới học sử dụng máy ảnh. Mình không biết chọn chế độ lấy nét và sử dụng sao cho đúng. Và mình tin, nhiều bạn đang dùng máy ảnh không biết việc này. Mình cũng thấy điều tương tự với những bạn đang làm dịch vụ chụp ảnh. Vì cơ bản, chúng ta cứ chụp thôi, kiếm tiền đã, đọc mấy cái này khó hiểu mà cũng chẳng biết áp dụng như thế nào?

Cài đặt chế độ lấy nét phù hợp với nhu cầu sử dụng

Để chụp được bức ảnh sắc nét nhất. Chúng ta phải hiểu hệ thống lấy nét, ngay cả khi bạn sử dụng những máy ảnh Mirrorless mới nhất. Thực tế, nhiều bạn sử dụng máy MRL, chụp vẫn out nét như thường. Bởi vì không hiểu các chế độ lấy nét.

Cài đặt hệ thống lấy nét phù hợp với chuyển động của chủ thể
105mm 1/320s f/2.8 ISO 1600

Trong máy ảnh có nhiều chế độ lấy nét khác nhau. Vậy sử dụng như thế nào? Ví dụ, bạn muốn chụp ảnh người mẫu, chủ thể tĩnh. Những chủ thể ít thay đổi vị trí so với máy ảnh. Bạn hãy sử dụng chế độ lấy nét tĩnh, được viết tắt là AF-S. Khi bạn nhấn 1/2 nút lấy nét, máy ảnh sẽ lấy nét một lần rồi dừng lại. Trong chế độ này, máy ảnh lấy nét nhanh và có đèn trợ nét. Giúp bạn lấy nét chính xác hơn trong điều kiện ánh sáng yếu.

Cài đặt thông số chụp ảnh động vật di chuyển
85mm 1/800s f/2.8 ISO 100

Nhưng khi chụp ảnh chuyển động bằng chế độ AF-S. Ví dụ chụp ảnh mọi người di chuyển trong đám cưới hay chú cún của bạn. Chắc chắn không được ảnh nào đúng nét. Bởi vì, khi bạn lấy nét xong, chủ thể đã di chuyển sang vị trí khác rồi. Vậy làm thế nào bây giờ?

Bạn hãy sử dụng chế độ lấy nét AF-C để lấy nét chủ thể chuyển động. Khi bạn giữ 1/2 nút chụp ảnh. Máy ảnh sẽ lấy nét và liên tục điều chỉnh ống kính, để giữ chủ thể trong khoảng nét nhất. Bạn chỉ việc giữ nút chờ đợi đến khoảnh khắc đẹp rồi chụp thôi. Chắc chắn có nhiều ảnh tốt hơn so với chế độ lấy nét AF-S.

Chế độ AF-C cũng có nhược điểm. Bạn không thể sử dụng đèn trợ nét và độ trễ cao hơn. Bên cạnh đó, trong chế độ AF-C chia ra thành nhiều chế độ nhỏ, như lấy nét 3D, Group, điểm. Bạn hãy chọn một điểm nếu muốn lấy nét chính xác vào mắt chủ thể. Chọn nhóm để lấy nét vào gương mặt. Tất nhiên có thể sử dụng 3D để điểm lấy nét di chuyển theo chủ thể.

Bên cạnh đó, chúng ta còn chế độ lấy nét AF-A. Chế độ này sẽ tự động thay đổi giữa lấy nét tĩnh và động. Bạn chỉ việc hướng điểm lấy nét vào chủ thể. Máy ảnh sẽ đưa ra cách lấy nét thích hợp. Nhưng độ trễ cao hơn AF-C một chút.

Chế độ lấy nét chụp ảnh chân dung sắc nét
70mm 1/160s f/3.2 ISO 400

Trong quá trình lấy nét ảnh chân dung. Chúng ta nên sử dụng 1 điểm lấy nét và lấy nét chính xác vào mắt người mẫu. Thay vì sử dụng nhiều điểm lấy nét. Vậy lấy nét rồi bố cục lại được không? Bạn có thể lấy nét rồi bố cục lại, khi sử dụng khẩu độ nhỏ và khoảng cách lớn. Bởi vì khi đó khoảng nét dày hơn. Bạn di chuyển một chút cũng không sao.

Nhưng khi chụp với tiêu cự dài và khẩu độ lớn như f/1.8. Cách này không hiệu quả lắm. Đặc biệt trên máy ảnh DSLR. Thay vào đó, bạn hãy di chuyển điểm lấy nét trên kính ngắm. Lấy nét vào mắt người mẫu rồi chụp sẽ nét hơn.

Trong kính ngắm trang bị hai loại điểm lấy nét. Điểm lấy nét nhạy và chính xác nhất, là những điểm chữ thập nằm ở trung tâm kính ngắm. Chúng có thể lấy nét đường ngang và dọc độ tương phản thấp. Bạn hãy sử dụng những điểm này khi có thể.

Những điểm lấy nét ngang nằm ngoài rìa kính ngắm. Chúng hoạt động tốt với các đường ngang và độ nhạy sáng cũng thấp hơn. Không phù hợp để chụp ảnh trong môi trường ánh sáng yếu hoặc ảnh ngược sáng. Bạn sẽ thấy dễ sai nét hơn điểm trung tâm.

Trường hợp máy ảnh hỗ trợ lấy nét LiveView. Hãy sử dụng chế độ lấy nét gương mặt hoặc mắt trong LiveView. Như vậy giúp bạn chụp ảnh chân dung tốt hơn. Bạn không phải chọn điểm lấy nét nữa. Máy ảnh tự động tìm gương mặt người mẫu. Bạn chỉ việc giữ nút lấy nét, rồi đợi khoảnh khắc đẹp thôi.

Cách này giúp bạn chụp ảnh sắc nét dễ hơn nhiều. Bạn hãy dành thời gian tìm hiểu hệ thống lấy nét trên máy đang sử dụng. Đây là yếu tố quan trọng, để chụp một bức ảnh sắc nét hoàn hảo. Mình tạm dừng phần này tại đây, để chuyển sang phần tiếp theo nhé.

9. Sử dụng lấy nét AF-ON

Sử dụng chế độ lấy nét AF-ON

Chúng ta thường lấy nét bằng cách nhấn 1/2 phím chụp ảnh. Cách này tiện nhưng cũng bất tiện không kém. Để chụp được nhiều ảnh tốt hơn, bạn hãy sử dụng chế độ lấy nét AF-ON. Bạn chỉ việc tìm phím AF-ON trên các máy cao cấp như Nikon D800. Trên những máy thấp hơn, chúng ta sẽ cài đặt phím AE-L thành AF-ON.

Thay vì nhấn 1/2 phím lấy nét. Bây giờ, chúng ta giữ phím AF-ON (AE-L) để lấy nét. Bạn sẽ tách được quá trình lấy nét và chụp ảnh. Ngón tay cái để lấy nét AF-ON liên tục, trong khi ngón còn lại đặt trên phím chụp ảnh.

Giúp bạn chủ động bắt khoảnh khắc và theo nét tốt hơn. Chẳng những vậy, cách này còn giảm rung do bạn thao tác quá mạnh trên phím chụp ảnh. Hãy cài đặt và thử nghiệm những lợi ích của phím AF-ON nha. Chắc chắn bạn sẽ chụp được ảnh sắc nét hơn đấy.

10. Cài đặt tốc độ chụp phù hợp với chủ thể

Cách chụp ảnh chân dung sắc nét
50mm 1/160s f/3.2 ISO 1250 FLASH OFF

Tốc độ chụp có thể là nguyên nhân làm ảnh không nét. Chúng ta thường không quan tâm đến tốc độ chụp hoặc chỉ biết đến sau vài tháng tìm hiểu. Vậy tốc độ chụp là gì? Trên máy ảnh DSLR, MRL tốc độ chụp là thời gian cảm biến nhận ánh sáng. Thường đồng nghĩa với thời gian đóng mở màn trập.

Trên máy sử dụng màn trập điện tử hoặc điện thoại. Tốc độ chụp là thời gian cấp điện cho điểm ảnh trên cảm biến. Nhưng tại sao tốc độ chụp ảnh hưởng đến độ nét?

Chụp ảnh ban đêm sắc nét hơn
50mm 1/60s f/2.5 ISO 800 FLASH ON

Bạn hãy nhớ lại buổi chụp gần đây xem sao. Khi chụp người mẫu, cô ấy gần như không thay đổi vị trí trong vài phần của 1 giây. Bạn cài đặt tốc độ chụp 1/125 giây. Trong thời gian màn trập mở ra và cảm biến ghi nhận tín hiệu. Chi tiết của người mẫu được ghi nhận trên cảm biến gần như không thay đổi. Cho nên, chúng ta nhận được bức ảnh sắc nét.

Cài đặt tốc độ chụp phù hợp với chủ đề
85mm 1/125s f/2.8 ISO 200 FLASH ON

Nhưng cũng với tốc độ chụp 1/125 giây. Bạn chụp người mẫu đang biểu diễn, liên tục thay đổi vị trí trong một phần của giây. Trong khoảng thời gian này, chi tiết của người mẫu di chuyển từ điểm ảnh này sang điểm ảnh khác. Bạn sẽ thấy ảnh không nét. Bạn có thể hình dung việc này giống như vẽ tranh vậy. Thay vì vẽ một đường dứt khoát thể hiện chi tiết của người mẫu. Hoạ sĩ bôi thêm vài đường nữa thì sao? Vậy nên cài đặt tốc độ chụp bao nhiêu?

Ảnh out nét do tốc độ chụp chậm
50mm 1/60s f/10 ISO 200 FLASH OFF

Chúng ta có một nguyên tắc chung cho việc này. Trường hợp bạn sử dụng máy ảnh Full Frame và ống kính cho loại máy ảnh đó. Chúng ta đặt tốc độ chụp thấp nhất bằng 1/ tiêu cự đang sử dụng. Ví dụ, bạn sử dụng ống kính 50mm trên máy ảnh Full Frame. Thì tốc độ chụp thấp nhất là 1/50 giây.

Nhưng cũng chính ống kính 50mm này, gắn trên máy ảnh cảm biến nhỏ hơn 1.5 lần. Chúng ta thường gọi là máy Crop Frame. Bạn phải đặt tốc độ chụp thấp nhất bằng 1/ 50×1.5 khoảng 1/75 giây. Đây là công thức. Thực tế bạn có thể chụp với tốc độ thấp hơn khi sử dụng chân máy, chống rung và đèn Flash. Nhưng không nên làm như vậy. Đây mới là tốc độ chụp thấp nhất theo tiêu cự đang sử dụng thôi. Bạn phải tính thêm các yếu tố khác, bao gồm di chuyển của bạn, chủ thể và môi trường nữa.

Mình lấy ví dụ cho bạn dễ hiểu hơn. Bạn chụp người mẫu đang di chuyển với ống kính 50mm trên máy ảnh Full Frame. Theo công thức thì tốc độ chụp 1/50 giây là được rồi phải không? Nhưng đảm bảo chụp không nét. Do tốc độ quá thấp để bắt chuyển động của người mẫu.

Do đó, chúng ta sẽ đặt tốc độ chụp bằng 1/50 giây + chuyển động của người mẫu. Mà chuyển động thì không có thông số cố định. Bạn hãy thử + 1/125 giây hoặc hơn nữa. Ví dụ, sau đó chúng ta có tốc độ chụp 1/175 giây nhưng vẫn trượt nét. Hãy tăng tốc độ chụp lên 1/250 giây. Khả năng ảnh nét hơn, nhưng vẫn chưa nét nhất. Có thể do bạn rung tay. Bạn cần cộng thêm những rung động từ cơ thể. Chúng ngược chiều, xuôi chiều ra sao?

Cách tốt nhất là tăng tốc độ lên gấp đôi. Trong khi vẫn giữ được mức ISO tốt để ảnh không quá nhiễu. Ví dụ, bây giờ chúng ta tăng lên 1/500 giây xem nào. Chắc chắn ảnh nét. Nhưng khi vác thông số này chụp biểu diễn đua xe thì không ổn.

Tốc độ chụp ảnh chuyển động sắc nét
29mm 1/1000s f/4.0 ISO 100

Chúng ta lại phải tính tốc độ cơ bản trên tiêu cự, sau đó thử với một vài mức cao hơn cho đến khi có ảnh nét nhất. Thông thường vào khoảng 1/1000 đến 1/4000 giây. Chụp ảnh sắc nét không dễ chút nào phải không? Chúng ta dừng phần này tại đây, để chuyển qua phần tiếp theo nhé.

11. Sử dụng khẩu độ phù hợp với chủ đề

Cài đặt thông số chụp ảnh sắc nét hơn
85mm 1/1600s f/1.8 ISO 200

Ngoài tốc độ, chúng ta phải sử dụng khẩu độ phù hợp nữa. Vậy khẩu độ là gì? Chúng tác động đến bức ảnh như thế nào? Khẩu độ giống như một van nước. Để kiểm soát lượng ánh sáng đi tới cảm biến. Ngoài ra, khẩu độ kết hợp với tiêu cự và khoảng cách tạo nên trường ảnh. Trong khoảng đó chủ thể sẽ nét.

Để bạn dễ hình dung hơn, chúng ta xem một bức ảnh chụp bằng Nikon D7100Nikon 85mm f/1.8G. Mình muốn người mẫu nổi bật so với khung cảnh. Cho nên, mình đứng gần người mẫu, sử dụng khẩu độ f/1.8 để trường ảnh mỏng hơn. Chúng ta thấy gương mặt người mẫu rất nét. Nhưng mọi thứ sẽ mờ tịt khi nằm ngoài trường ảnh nét (DOF). Đây là tác động của khẩu độ khi chụp ảnh chân dung.

Trong thực tế, bạn không biết khẩu độ tạo trường ảnh như thế nào, trước khi bấm nút chụp. Bởi vì ống kính luôn mở khẩu độ lớn nhất. Để biết trường ảnh như thế nào. Bạn hãy chọn khẩu độ, lấy nét rồi nhấn phím PV. Máy ảnh sẽ điều chỉnh về khẩu độ đã cài đặt và cho thấy trường ảnh và khu vực nét nhất. Qua đó, bạn sẽ biết bức ảnh nét ở đâu trước khi chụp.

Hãy sử dụng khẩu độ lớn nhất như f/1.8, khi bạn muốn tập trung vào gương mặt, đôi mắt của người mẫu. Đôi khi bạn muốn nét hơn một chút, từ mũi cho đến tai người mẫu thì sử dụng khẩu độ f/4. Hoặc muốn nét toàn thân thì khép xuống f/5.6. Lưu ý, khoảng cách từ máy ảnh đến người mẫu cũng tác động đến độ sâu trường ảnh (DOF).

Khẩu độ chụp ảnh cưới nét hơn
24mm 1/1000s f/4.0 ISO 200

Mình nhận được nhiều câu hỏi khi chụp ảnh tập thể. Ví dụ, em chụp ảnh đám cưới với nhiều người thì để khẩu bao nhiêu? Thật ra không có thông số hoàn hảo cho bạn. Bởi vì phụ thuộc vào tiêu cự, khoảng cách và khẩu độ. Tất nhiên hàng đó bao nhiêu người nữa?

Bạn chỉ việc bắt đầu với khẩu độ f/5.6 rồi lấy nét, nhấn giữ PV. Xem nét hết hàng đó chưa? Nếu được thì tốt, chưa thì tăng lên f/8 rồi thử lại. Thông thường f/8 đủ chụp ảnh tập thể với tiêu cự 24mm rồi. Mình muốn bạn hiểu vấn đề hơn là đưa cho bạn thông số. Bởi vì, như vậy bạn biết phải làm gì tiếp theo. Vậy chụp phong cảnh thì sao?

Cài đặt khẩu độ phù hợp với phong cảnh
24mm 1/500s f/8.0 ISO 100

Mọi thứ cũng tương tự như vậy. Bạn cần biết tiêu cự đang sử dụng, chọn khẩu độ, lấy nét rồi nhấn PV để xem trường ảnh. Điều chỉnh đến khi thấy nét những vùng bạn muốn là được. Thông thường, mình sử dụng khẩu độ f/8 đến f/16 để có ảnh sắc nét nhất. Như bạn đang thấy, ảnh chụp bằng ống kính Nikon AF-S 24-70mm f/2.8 rất nét phải không?

Cài đặt khẩu độ phù hợp với chủ đề giúp ảnh nét hơn
14mm 1/125s f/16.0 ISO 100

Trong một vài trường hợp, bạn nghĩ rằng sử dụng khẩu độ nhỏ nhất sẽ nét hơn nữa. Nhưng điều đó không đúng. Mình thường hạn chế sử dụng khẩu độ nhỏ nhất. Bởi vì, ảnh bị nhiễu do ánh sáng phải luồn lách qua một cái khe bé tẹo của ống kính. Bạn sẽ thấy nhiễu, viền ảnh mềm hơn. Ống kính thường có một khẩu độ nét nhất.

Cài đặt tốc độ chụp phù hợp để chụp ảnh sắc nét
200mm 1/200s f/3.2 ISO 1600 VR ON

Bạn hãy tham khảo trên hãng, để hiểu về ống kính đang sử dụng. Mình không thể tổng hợp tất cả khẩu độ nét nhất tại đây được. Nếu ngại đọc thì chụp thử nghiệm với tất cả khẩu độ, sau đó chọn bức ảnh ưng ý nhất. Lần sau cứ như vậy mà chụp tiếp. Đảm bảo bạn sẽ có ảnh sắc nét và hiểu rõ về những thiết bị đang sử dụng. Mình tạm dừng phần này tại đây. Chúng ta đến phần còn lại nhé.

12. Bật chống rung để chụp ảnh sắc nét hơn

Bật chống rung giúp ảnh sắc nét hơn

Trong phần trước, chúng ta biết cài đặt tốc độ phù hợp với tiêu cự để chụp ảnh sắc nét hơn. Nhưng không phải lúc nào cũng đạt được tốc độ chụp cao như vậy. Đặc biệt trong những môi trường ánh sáng yếu.

Để khắc phục việc này, bạn hãy bật chống rung, bằng cách gạt phím VR > ON. Vậy chống rung hoạt động như thế nào? Khi bạn chụp với tốc độ thấp hơn tiêu chuẩn. Cảm biến trong ống kính ghi nhận thay đổi. Sau đó điều chỉnh thấu kính bù lại chuyển động này. Bạn sẽ có ảnh sắc nét khi chụp tốc độ thấp.

Nhưng cần lưu ý, chống rung chỉ có tác dụng với rung động của bạn. Nếu tốc độ chụp quá chậm so với người mẫu trong ảnh. Bạn sẽ thấy ảnh mờ như thường. Đây là cách hệ thống chống rung hoạt động. Vậy chống rung Active và Normal là gì?

Chống rung Normal là chế độ tiêu chuẩn. Thường sử dụng khi đứng trên những địa hình vững chắc như sàn nhà. Có nghĩa là chỉ có rung động từ cơ thể của bạn thôi. Chúng ta sẽ sử dụng chống rung Normal vào trường hợp này.

Chống rung Active sử dụng trong trường hợp có hai loại rung khác nhau. Hãy hình dung, bạn đang đứng trên sàn xe và cầm máy ảnh trên tay. Lúc này sẽ có rung động từ sàn và tay của bạn. Bạn hãy sử dụng chế độ Active trong trường hợp này để có hiệu quả tốt nhất. Vậy chụp với tốc độ thấp hơn bao nhiêu lần?

Điều này phụ thuộc vào ống kính bạn đang sử dụng. Thông thường, ống kính giá rẻ chống rung khoảng 2 Stop. Có nghĩa bạn chụp được tốc độ chậm hơn hai lần so với tiêu chuẩn. Ví dụ, bạn chụp tốc độ 1/50s với ống kính 50mm. Khi bật chống rung, bạn có thể chụp với tốc độ 1/12s. Nhưng với tốc độ chậm như thế, đừng mong có ảnh nét khi chủ thể di chuyển.

Trên ống kính cao cấp như Nikon AF-S 70-200mm f/2.8 VRII. Chống rung đạt hiệu quả đến 3 Stop. Tức là có thể chụp với tốc độ thấp hơn 3 lần so với tiêu chuẩn. Trên máy MRL trang bị chống rung cảm biến, kết hợp với ống kính có thể lên tới 4 Stop. Nhưng chống rung bằng trời đi nữa. Bạn đặt tốc độ quá chậm so với chủ thể thì không bao giờ nét. Như vậy, chúng ta biết thêm một cách để chụp ảnh sắc nét hơn rồi đấy. Qua phần tiếp theo nha.

13. Chụp hẹn giờ hoặc sử dụng dây bấm mềm

Sử dụng Remote để chụp ảnh sắc nét

Trong thể loại chụp với tốc độ thấp như phơi sáng, Timelapse. Nếu bạn nhấn nút chụp và nhấn kết thúc. Chắc chắn ảnh sẽ mờ. Bởi vì tốc độ chụp chậm hơn tiêu cự rất nhiều. Do đó, chúng ta phải hạn chế tác động lên máy ảnh. Bạn có thể sử dụng điều khiển từ xa. Giống như điều khiển TV ở nhà của bạn. Giúp bạn lấy nét và chụp mà không cần chạm vào máy ảnh.

Sử dụng dây bấm mềm để ảnh nét hơn

Trên máy ảnh không hỗ trợ cổng hồng ngoại như Nikon D700/D800. Bạn có thể sử dụng dây bấm mềm. Chúng có tác dụng hẹn giờ, lấy nét và chụp và giảm tác động của bạn lên máy ảnh. Qua đó giúp ảnh sắc nét hơn.

Trên những máy ảnh đời mới. Chúng ta có kết nối WiFi & Bluetooth nữa. Bạn có thể điều khiển máy ảnh bằng điện thoại và xem ảnh ngay sau khi chụp. Hãy sử dụng một trong những cách này đề có ảnh sắc nét hơn nhé. Mình sẽ tạm dừng phần này tại đây. Chúng ta đến phần tiếp theo.

14. Sử dụng chế độ khoá gương lật để chụp ảnh sắc nét hơn

Sử dụng chế độ khoá gương lật Mup để chụp ảnh nét hơn

Chúng ta biết ảnh bị mờ do tốc độ chụp. Nhưng còn một nguyên nhân khác, đến từ chính bản thân chiếc máy. Bên trong các máy ảnh DSLR có một chiếc gương lật. Chúng nâng lên và hạ xuống trong quá trình chụp ảnh. Và tạo rung động làm ảnh bị mờ. Chúng ta không thấy trong điều kiện bình thường. Nhưng dễ nhận thấy khi chụp với tốc độ thấp hơn. Ví dụ chụp những ngôi sao hay chụp phơi sáng.

Bạn có thể sử dụng chế độ Mirror Up để khắc phục việc này. Máy ảnh nâng gương trước khi chụp một khoảng thời gian dài hơn. Để rung động đó tan biến trước khi mở màn trập. Sau đó đợi cho bức ảnh chụp hoàn tất. Gương sẽ đóng lại chậm hơn bình thường. Bạn sẽ nghe tiếng xẹt xẹt của màn trập nhiều hơn tiếng gương lật.

Sử dụng chế độ Mup hẹn giờ

Ngoài ra, bạn có thể kết hợp chế độ Mup hẹn giờ hoặc điều khiển từ xa. Như vậy giúp bạn chụp ảnh sắc nét hơn nữa. Bởi vì, bạn không chạm vào máy, gương đã lật lên trước rồi. Máy ảnh hoàn toàn yên tĩnh. Thật ra vẫn còn chuyển động của màn trập. Bạn có thể sử dụng chế độ màn trập điện tử đề khắc phục vấn đề này. Như vậy, chúng ta biết thêm một cách để chụp ảnh sắc nét hơn rồi. Chúng ta qua phần tiếp theo nha.

15. Sử dụng chế độ lấy nét thủ công bằng LiveView

Sử dụng chế độ lấy nét thủ công trong điều kiện khó giúp ảnh sắc nét hơn

Chụp ảnh ngược sáng hoặc chủ thể có độ tương phản thấp. Bạn dùng máy ảnh tốt thế nào đi nữa. Thì cũng nhận ra hệ thống lấy nét không chính xác lắm. Đây là lúc cần chuyển máy ảnh và ống kính sang chế độ lấy nét thủ công. Chúng ta chỉ cần gạt sang lấy nét Manual là xong. Máy sẽ trao quyền lấy nét cho bạn. Sau đó mở màn hình LiveView để quan sát những gì cảm biến đang thấy.

Sử dụng lấy nét LiveView để chụp ảnh sắc nét
200mm 1/2000s f/8.0 ISO 200 VR ON

Bạn có thể sử dụng chức năng phóng lớn trên LiveView. Đồng thời xoay vòng lấy nét và quan sát trên màn hình, đến khi chủ thể sắc nét là được. Bạn sẽ có ảnh nét hơn trong những điều kiện khó như vậy. Thay vì phó mặc cho hệ thống lấy nét tự động trên máy ảnh. Chúng ta biết thêm một cách nữa để chụp ảnh sắc nét hơn rồi đấy.

16. Sử dụng ISO thấp để chụp ảnh sắc nét hơn

Cài đặt ISO thấp giúp ảnh sắc nét hơn

Chúng ta có thể chụp ảnh nét nhất với ISO cơ bản từ ISO 100 đến 200. Chất lượng ảnh sẽ giảm dần khi sử dụng ISO cao hơn. Chuyện gì đang diễn ra bên trong?

Chúng ta thường nghe nói rằng. Sử dụng ISO cao để thu được nhiều ánh sáng hơn phải không? Nghe có vẻ hợp tai nhưng vô lý. Môi trường chụp và ống kính như cũ. Vậy ánh sáng ở đâu mà thu nhiều hơn sau khi tăng ISO?

Thực tế, cảm biến thu được lượng ánh sáng như cũ. Nhưng bộ xử lý phân tích và bù thêm vào những tín hiệu đó. Để bạn thấy ảnh sáng hơn với ISO cao. Đó là bù thêm, không phải thực tế. Bạn có thể hình dung việc này giống hát Karaoke. Giọng của bạn dao động trong một khoảng nhỏ. Nhưng bạn muốn cả xóm nghe thấy giọng của mình phải không?

Chúng ta sẽ vặn nút tăng âm lượng trên Amply? Chúng khuếch đại giọng của bạn từ Micro. Giúp bạn thấy giọng của mình lớn hơn, nhưng thực tế bạn hát vẫn thế. Chẳng có gì thay đổi, mọi thứ được máy khuếch đại. Bạn sẽ nghe thấy tiếng lẹt xẹt, bể giọng là vậy.

Máy ảnh cũng tương tự như thế. Cảm biến vẫn nhận được nhiêu đó ánh sáng vì môi trường chụp không thay đổi. Nhưng bộ xử lý sẽ khuếch đại tín hiệu đó lên. Mang lại cảm giác rằng bạn thu được nhiều ánh sáng hơn.

Cho nên, để chụp được ảnh chi tiết và sắc nét nhất. Chúng ta cần điều chỉnh về mức ISO thấp nhất. Trong khi vẫn giữ được tốc độ chụp tiêu chuẩn. Như vậy, chúng ta biết thêm một cách để chụp ảnh sắc nét hơn rồi đấy. Tạm dừng tại đây để qua phần tiếp theo.

17. Cài đặt khử nhiễu thấp để có ảnh sắc nét

Cài đặt chế độ khử nhiễu giúp ảnh sắc nét hơn

Ngoài việc sử dụng ISO thấp để có ảnh sắc nét. Chúng ta nên điều chỉnh cách máy ảnh khử nhiễu. Bạn hãy giới hạn ở mức bình thường hoặc thấp. Tại sao phải làm như vậy? Khi bạn chụp ảnh với ISO cao. Máy ảnh sẽ loại bỏ điểm ảnh sai màu. Đồng thời làm giảm độ nét toàn bộ ảnh.

Đặc biệt khi bạn chọn khử nhiễu ở mức cao. Bạn sẽ thấy ảnh mềm, bệt như chụp bằng điện thoại. Như vậy, để chụp được bức ảnh sắc nét nhất. Chúng ta phải kết hợp sử dụng ISO thấp và khử nhiễu hợp lý. Tính năng khử nhiễu không tác động lên ảnh Raw. Bạn hãy kiểm soát tính năng khử nhiễu khi chỉnh sửa bằng Lightroom và Photoshop.

18. Hạn chế sử dụng sử dụng Filter để chụp ảnh nét hơn

Ảnh bị mờ do sử dụng ND Filter

Mình thử nhiều loại Filter đắt tới rẻ. Qua đó mình thấy rằng, để chụp được bức ảnh sắc nét nhất. Chúng ta không nên sử dụng Filter. Nếu bắt buộc phải sử dụng, thì mua loại tốt nhất trong khả năng của bạn. Vì sao?

Bạn hình dung Filter như kính đeo mắt cũng được. Chúng là thứ được thêm vào, không được tính trước trong quá trình chế tạo ống kính. Chúng có chất lượng khác nhau và giữ lại một phần ánh sáng đi qua đó.

Chẳng những vậy, Filter còn làm thay đổi chất lượng ánh sáng. Đôi khi bạn sẽ thấy ảnh xanh hoặc vàng hơn. Trong một vài trường hợp là hiệu ứng Flare và dễ nhận thấy ảnh không nét sau khi sử dụng Filter.

Mình thấy rõ điều này, khi sử dụng Filter trên những ống kính loại tốt như Nikon AF-S 24-70mm f/2.8Nikon AF-S 70-200mm f/2.8 VR II. Như vậy, cách tốt nhất để chụp ảnh sắc nét là hạn chế sử dụng Filter. Hoặc sử dụng Filter tốt nhất để giảm ảnh hưởng của nó. Bạn đã biết thêm một cách để chụp ảnh sắc nét hơn.

19. Điều chỉnh độ nét bằng Photoshop và Lightroom

Sử dụng chức năng tăng độ nét bằng Photoshop và Lightroom

Trong tất cả những phần trước. Chúng ta cố gắng chụp ảnh gốc sắc nét nhất. Đó là cách để bạn cảm thấy hài lòng với tác phẩm của mình. Trong đó, chúng ta cũng chụp ra những bức ảnh RAW. Nhưng khi chỉnh sửa ảnh RAW. Bạn sẽ nhận thấy không nét lắm. Vì sao vậy?

Bởi vì LightroomPhotoshop không hiểu thông số trên Picture Profile. Bạn hãy sử dụng tính năng làm nét ảnh trong Lightroom, Photoshop. Hãy tăng vừa phải đủ nét là được. Không tăng quá mức, làm ảnh bị cứng và khô so với thực tế.

Dùng tính năng này để khắc phục ảnh mờ nhoè được không? Không, nó không phải đề làm việc đó. Hãy tham khảo cách tăng nét bằng Smart Sharpen trong Photoshop. Như vậy, chúng ta biết thêm một cách làm ảnh sắc nét hơn rồi. Qua phần tiếp theo nhé.

20. Xuất ảnh phù hợp với nhu cầu sử dụng

Xuất ảnh phù hợp với nhu cầu sử dụng

Sau khi chụp ảnh sắc nét và chỉnh sửa cho đẹp. Thông thường, chúng ta sẽ xuất đại ra một kích thước nào đó rồi đăng phải không? Đừng làm vậy, điều đó sẽ lãng phí toàn bộ công sức chụp ảnh đấy. Thay vào đó, chúng ta sẽ tối ưu cho từng việc khác nhau? Ví dụ, bạn muốn đăng lên Facebook. Vậy tiêu chuẩn ảnh đăng Facebook là gì? Định dạng, kích thước và không gian màu nào? Thực hiện tương tự với các dịch vụ khác.

Sau đó điều chỉnh thông số xuất ảnh bằng Photoshop hoặc Lightroom. Cuối cùng xuất ảnh rồi đăng lên những trang đó. Bạn sẽ thấy ảnh sắc nét hơn rất nhiều. Bởi vì, bạn đã tối ưu mọi thứ đúng chuẩn của họ rồi. Họ sẽ không mất công điều chỉnh lại nữa. Như vậy, chúng ta phải làm rất nhiều việc để có một bức ảnh sắc nét và sử dụng được. Thấy khó quá phải không?

21. Tổng kết cách chụp ảnh sắc nét

Cách chụp ảnh sắc nét như thế nào?

Bạn cần hiểu chiếc máy ảnh đang sử dụng. Vệ sinh ống kính, cảm biến, sử dụng ống kính tốt. Sau cài đặt ISO, tốc độ và lấy nét chính xác vào người mẫu. Như vậy giúp bức ảnh của bạn trở nên sắc nét hơn.

Tôi cần máy ảnh độ phân giải cao để chụp ảnh sắc nét không?

Bạn không cần máy ảnh độ phân giải quá cao. Máy ảnh có độ phân giải 12 Megapixel trở nên đều cho ảnh rất sắc nét.

Làm thế nào để chụp người mẫu nét hơn?

Bạn cần sử dụng chế độ lấy nét phù hợp với người mẫu. Cài đặt tốc độ, ISO phù hợp, sau đó lấy nét chính xác vào mắt người mẫu nhé.

Tôi cần mua máy tốt hơn để chụp ảnh sắc nét hơn không?

Không, rất lãng phí. Bởi vì nguyên nhân không phải do máy ảnh của bạn. Phần lớn do kỹ năng của bạn thôi.

Tôi cần nâng cấp ống kính nào để chụp ảnh sắc nét hơn?

Bạn có thể chụp sắc nét bằng ống kính đi theo máy. Nhưng để ảnh nét hơn nữa. Bạn hãy thử dùng ống kính một tiêu cự. Nhưng khi vượt qua mức này. Bạn sẽ thấy ống kính đắt hơn hàng chục lần cũng không nét hơn bao nhiêu.

Chúng ta đến phần cuối cùng rồi. Hy vọng bạn đã hiểu nguyên nhân chụp ảnh không nét. Chúc bạn chụp được nhiều ảnh mang lại cảm giác vui sướng và muốn xem thêm nhiều lần nữa. Vui lòng để lại bình luận dưới bài viết, nếu thấy phần nào còn thiếu hoặc muốn góp ý. Bây giờ thì…tạm biệt.

22. Đọc thêm

Dùng thử Adobe Photoshop 2024

4 bình luận về “Cách chụp ảnh sắc nét như thế nào?

  1. Phan vũ cho biết:

    Phần trình bày rất dài nếu không thực hành thì quên ngay, nhưng tựu chung để ra một file ảnh nét thì khâu chụp phải làm tốt, hậu kỳ bằng photoshop hay lighroom chỉ để chữa cháy, tóm lại muốn chụp ảnh tốt phải có kỹ thuật cơ bản bằng cách đọc tài liệu và thực hành. Thêm vào đó phương tiện là thân máy và nhất là ống kính chất lượng cũng sẽ quyết định đến vấn đề này. Là người chụp ảnh lâu năm từ máy phim đến máy số, từ trong nhà đến studio tôi chỉ xin góp ý kiến nhỏ với các bạn!

Trả lời

Email của bạn không hiển thị công khai. Mình sẽ trả lời bình luận trong ngày. Nhớ quay lại đọc phản hồi nhé. Cảm ơn bạn đã dành thời gian.