Cách chụp ảnh chân dung đẹp hơn

Cách chụp ảnh chân dung đẹp

Chúng ta cùng tìm hiểu cách chụp ảnh chân dung đẹp hơn. Để bạn và người mẫu cảm thấy hạnh phúc mỗi khi xem lại. Bài viết tập trung vào kinh nghiệm thực tế, để chụp ảnh chân dung có hồn và giàu cảm xúc. Mà không quá đi sâu vào thông số kỹ thuật. Bạn hãy nhấn vào tài liệu đính kèm để đọc thêm. Chúng ta bắt đầu nhé.

1. Như thế nào là một bức ảnh chân dung đẹp

Cách chụp ảnh chân dung xoá phông đẹp
70mm 1/1000s f/2.8 ISO 100

Bạn hãy xem bài viết như một cuốn nhật ký. Qua đó, mình chia sẻ kinh nghiệm chụp ảnh chân dung đẹp hơn. Vậy chụp ảnh chân dung là gì? Ảnh chân dung có chủ thể chính là người. Trong đó, chúng ta thể hiện được cảm xúc, nét đẹp của người đó.

Thông thường, khi nhắc tới ảnh chân dung. Chúng ta nghĩ tới bức ảnh chụp những cô gái xinh đẹp. Nhưng thực tế, bạn có thể chụp ảnh chân dung cặp đôi, tập thể, trẻ em, người già. Chỉ cần ghi lại khoảnh khắc đẹp nhất của người mẫu là được.

Cách chụp ảnh chân dung người mẫu với hoa mai
150mm 1/250s f/3.2 ISO 100

Trong thời gian đầu mới học nhiếp ảnh. Chúng ta thường nghĩ ảnh chân dung đẹp, là có một cô gái thật đẹp trong đấy. Cô ấy mặc trang phục đẹp và cười thật tươi hoặc hấp dẫn về mặt ngoại hình phải không? Mình tin nhiều bạn đang ở giai đoạn này. Thật may, mình không gắn chặt với hình ảnh đó.

Chúng ta cũng thường nghe những câu đùa trên Facebook. Ví dụ, chọn người mẫu đẹp để chụp được bức ảnh chân dung đẹp. Hoặc mang những hạn chế của người mẫu, để biện minh cho kỹ năng của mình. Mình thấy đùa thì được, chứ làm mãi thì không hay lắm.

Chúng ta phải thừa nhận rằng, một bức ảnh chân dung đẹp, được tạo thành từ nhiều cái đẹp, bao gồm bố cục, màu sắc, độ sáng, phông nền, cảm xúc. Và người mẫu đẹp là một yếu tố quan trọng nhất. Nếu cứ chọn người mẫu đẹp nhất thì chẳng còn gì vui vẻ nữa.

Khi đã quen với điều đó, còn làm tay nghề của chúng ta không thể phát triển được. Bạn quanh năm chụp chân dung người mẫu đẹp. Họ có những lợi thế về mặt di truyền rồi, nó mang lại sự tự tin và được cơ hội để chụp ảnh nhiều hơn.

Điều đó giúp những tay máy yếu chụp những bức ảnh đẹp hơn. Nhưng sau một thời gian gắn liền với những vẻ đẹp đó. Bạn gần như không dám chụp người bình thường hoặc không thể chụp ra một bức ảnh chân dung đẹp cho những người bạn, người thân hoặc bất kỳ một người nào bạn gặp.

Đó là một điều đáng tiếc. Bởi vì, đa số mọi người rất ngại khi bị chụp ảnh. Họ cũng không đẹp kiêu sa, cũng không biết tạo dáng, cười sao cho đẹp nhất. Thật may, mình có thể chụp chân dung bất kỳ ai mình gặp và hạnh phúc vì điều đó. Vậy một bức ảnh chân dung đẹp là như thế nào?

Cách chụp chân dung con gái với cúc hoạ mi
102mm 1/250s f/3.2 ISO 100

Mình thấy rằng, một bức ảnh chân dung đẹp thể hiện được cảm xúc của người mẫu và ghi lại được khoảnh khắc đẹp nhất của họ. Để người khác nhìn vào có thể cảm nhận được trạng thái của người mẫu lúc chụp ảnh. Khoảnh khắc này chỉ xuất hiện trong một phần của giây. Việc của bạn là làm thế nào để bắt được nó.

Đối với mình, một bức ảnh chân dung đẹp còn mang lại cảm giác hài lòng, mãn nguyện cho người cầm máy. Tất nhiên mang lại cảm giác hạnh phúc cho người mẫu. Mình thường cảm nhận được điều này ngay trước khi bấm máy. Một điều gì đó rất lạ, cảm giác rất nhẹ nhàng, mãn nguyện. Vậy làm sao biết người mẫu thích bức ảnh đó?

Bạn hãy đưa người mẫu xem bức ảnh. Hãy quan sát những biểu cảm trên gương mặt của họ. Mặc dù họ có thể đưa ra lời bình luận để làm bạn vui hơn. Nhưng, nếu bạn thấy gương mặt người mẫu sáng bừng lên, ánh mắt long lanh, tai đỏ hơn. Mình tin, cô ấy hài lòng với bức ảnh vừa chụp.

Cô ấy không cần nói với bạn rằng đã hài lòng. Cả hai đều cảm nhận được việc đó. Mình tin, đó là bức ảnh chân dung mang lại niềm hạnh phúc cho cả hai. Và luôn cảm nhận được điều này sau nhiều năm xem lại bức ảnh đó. Vậy còn điều gì khẳng định đây là một bức ảnh chân dung đẹp?

Chúng ta nhắc tới ảnh chân dung, không đồng nghĩa với chụp những cô gái thật đẹp nhé. Bạn có thể chụp cho bạn bè, người thân, người yêu hay bất kỳ ai bạn gặp. Đôi khi, bạn sẽ thấy người không thích bức ảnh của bạn. Đó là điều không thể tránh được. Đôi khi những lời nhận xét đó làm bạn không vui. Đừng lo, nhớ lại thời còn đi học xem nào.

Một cô gái xinh đẹp nhất trường được rất nhiều anh theo đuổi. Nhưng vẫn có những người nói cô ấy không đẹp lắm. Bởi vì cái đẹp bị ảnh hưởng từ trải nghiệm của người xem nữa. Họ lớn lên trong những môi trường khác nhau. Cho nên, họ có những tiêu chuẩn đẹp khác nhau. Điều này cũng dễ nhận thấy trong những cuộc thi người mẫu. Đến những cô gái đạt giải nhất thế giới. Nhưng vẫn có hàng ngàn lời đánh giá không đẹp. Cho nên, bạn không cần phân vân điều đó. Một cách đơn giản để bạn tự tin hơn đó là.

Hãy thử bán bức ảnh chân dung của bạn trên ShuttterStock hoặc Pixabay. Nếu bạn thấy có rất nhiều người sẵn sàng trả tiền mua ảnh. Hoặc rất nhiều lượt thích và tải về, in lên sản phẩm của họ. Mình tin đó là một bức ảnh chân dung đẹp nhất của bạn. Và tất nhiên, mình đã làm như thế. Nhiều ảnh của mình được in lên DVD, tem và trên các sản phẩm khác.

Như vậy, một bức ảnh chân dung đẹp cần thể hiện được cảm xúc và nét đẹp nhất của người mẫu. Bên cạnh đó, mang lại cảm giác hài lòng cho cả hai. Nếu muốn chắc chắn hơn, hãy thử bán những bức ảnh đó. Nếu có hàng ngàn người sẵn sàng mua nó. Mình tin đó là bức ảnh chân dung đẹp nhất của bạn từng chụp. Vậy chụp ảnh chân dung khó không? Theo mình không khó, cũng chẳng dễ. Chúng ta qua phần tiếp theo.

2. Tại sao bạn thích chụp ảnh chân dung

Chân dung người mẫu bên cạnh xe hơi
50mm 1/100s f/3.5 ISO 500

Một trong những câu hỏi quan trọng là “Tại sao bạn thích chụp ảnh chân dung”. Có lẽ, đây là câu hỏi quan trọng nhất, để chụp được bức ảnh chân dung đẹp và có hồn. Quay trở lại nhiều năm trước, mình bắt đầu chụp ảnh bằng một chiếc máy ảnh Fujifilm IZI. Đây là máy ảnh bỏ túi sử dụng phim 35mm. Mình tìm không thấy ảnh mô tả chiếc máy này nữa.

Cách chụp chân dung con gái đẹp và có hồn
85mm 1/640s f/2.2 ISO 100

Những bức ảnh đầu tiên của mình là con người. Bởi vì, mình muốn ghi lại hình ảnh những người bạn của mình. Nhưng người đã bên mình những năm tháng qua. Chỉ đơn giản như vậy thôi. Sau một thời gian chụp bằng chiếc máy đó. Mình thấy có thể cảm nhận được những lúc vui, buồn và rạng rỡ nhất.

Và mình rất muốn ghi lại những khoảnh khắc đó. Cứ vậy, mình tập cảm nhận, cảm xúc của họ ngay cả khi không cầm máy ảnh. Chậm thí, nghe tiếng họ từ phía sau, mình còn hình dung gương mặt của họ đang vui, rạng rỡ như thế nào?

Rồi mình cứ làm như vậy đến khi mua chiếc máy ảnh bỏ túi Panasonic Lumix DMC-F3. Mình tiếp tục chụp cho rất nhiều bạn mới. Mình chỉ đơn giản là cảm nhận nét đẹp, cảm xúc của họ và cố gắng ghi lại những gì có thể. Và như người ta thường nói, chúng ta đến vì cái gì sẽ ra đi vì cái đó. Mình chỉ đến vì mình muốn ghi lại những khoảnh khắc và cảm xúc của bạn bè. Những người mình quen biết. Quả thật điều này giúp mình chụp tốt hơn. Mình chỉ tập trung vào những điều như vậy thôi.

Nhưng nếu bạn là người học chụp ảnh và muốn bắt đầu với thể loại ảnh chân dung. Hãy cẩn thận với những điều bạn đang tìm kiếm. Mình thấy nhiều bạn tìm đến thể loại này với một mục đích khác. Đặc biệt những bạn thích chụp ảnh những cô gái xinh đẹp. Trong đó, nhiều bạn muốn làm quen và tìm kiếm gì đó ở những người mẫu này. Và bạn dễ thấy những bình luận không đứng đắn về người mẫu trên các hội nhóm nhiếp ảnh.

Máy ảnh chỉ ghi lại góc nhìn của bạn với người mẫu. Bạn gần như không thể chụp một bức ảnh chân dung đẹp và đầy cảm xúc. Khi trong đầu có những suy nghĩ không tốt. Đừng làm thế, đó không phải con đường tốt đẹp gì.

Cách chụp chân dung trẻ con đẹp
135mm 1/200s f/2.8 ISO 400

Hãy rèn luyện để bắt đầu với tâm hồn vui tươi như trẻ con vậy. Trong đó, bạn chỉ muốn ghi lại nét đẹp về người được chụp thôi. Dành trái tim để cảm nhận nét đẹp và rạng rỡ, vui buồn của họ. Sau đó kết hợp với kỹ năng của bạn để ghi lại những khoảnh khắc đó.

Tất nhiên, mình đang duy trì một góc nhìn như vậy. Ngay cả trong khi chụp Nude cho mấy bạn còn rất trẻ. Mình chỉ tập trung vào kỹ năng, cảm xúc và cố gắng ghi lại nét đẹp nhất của họ thôi. Như vậy, mình đã chia sẻ một số lý do để chụp chân dung rồi. Chúng ta đến với phần tiếp theo nhé.

3. Lên kế hoạch trước buổi chụp ảnh chân dung

Lập kế hoạch trước buổi chụp ảnh chân dung
125mm 1/320s f/4.0 ISO 400

Trong nhiếp ảnh, chúng ta thường mong những khoảnh khắc ngẫu nhiên hoặc may mắn. Bạn cũng biết đấy, may mắn thường không tự xuất hiện. Bạn cần phải chuẩn bị đón nhận hoặc chờ đợi nó. Và đây cũng là cách để chụp ảnh chân dung đẹp hơn. Bạn sẽ làm gì trước một buổi chụp ảnh với người mẫu của mình?

Mình thường lên kế hoạch trước khi hẹn người mẫu. Trong đó, mình nghĩ về địa điểm chụp ảnh, xem thời tiết, góc chụp nào tốt. Bên cạnh đó, mình thường tưởng tượng góc chụp phù hợp với điều kiện lúc đó. Sau này, khi đã có nhiều kinh nghiệm hơn.

Mình còn vẽ những đường cơ bản thể hiện tư thế của người mẫu và góc chụp trong cuốn sổ. Bạn đang hình dung bức vẽ đẹp như thanh phải không? Vậy có lẽ làm bạn thất vọng rồi. Mình vẽ những nét đơn giản, thể hiện cách đặt tay, nghiêng đầu và tư thế cơ bản của người mẫu thôi. Mặc dù nghe có vẻ bình thường.

Nhưng làm như vậy, sẽ có khả năng chụp được một bức ảnh chân dung đẹp hơn nhiều. Và thực tế đã chứng minh điều đó. Khi lập kế hoạch như vậy, chúng ta sẽ phân tích nhiều thứ liên quan tới buổi chụp và sẵn sàng đón nhận nó.

Nếu bạn không chuẩn bị. Hai đứa tha nhau tới một nơi hoàn toàn mới lạ. Bạn sẽ làm gì? Bảo anh đang chọn hay chưa biết làm thế nào cả. Như vậy không hay lắm đâu. Bạn sẽ làm người mẫu tụt cảm xúc và không tin tưởng vào tay nghề của bạn đấy. Trong khi, bạn phải dành nhiều năng lượng để nghĩ ra cách chụp như thế nào.

Chuẩn bị trước buổi chụp ảnh chân dung

Khi bạn có quá nhiều thứ phải bận tâm, nó sẽ rút hết năng lượng để bạn cảm nhận người mẫu và ghi lại những khoảnh khắc đẹp nhất. Cho nên, hãy lập kế hoạch trước buổi chụp ảnh chân dung nhé. Cho dù đó là chụp người mẫu hay xách máy đi dạo quanh làng. Mình đều tưởng tượng ra khoảnh khắc sẽ chụp và chờ đợi điều đó. Không phải đi dạo với cái đầu rỗng và chờ may mắn tới. Chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng đón nhận và nhìn ra khoảnh khắc đó nữa. Mình kết thúc phần này tại đây, để chuyển sang phần tiếp theo.

4. Chuẩn bị máy ảnh trước buổi chụp chân dung

Chuẩn bị máy ảnh trước buổi chụp ảnh chân dung

Chúng ta thường gặp sự cố khi làm việc quan trọng. Trong chụp ảnh cũng như vậy. Để tránh sự cố làm hỏng buổi chụp. Mình thường kiểm tra máy ảnh cẩn thận, vệ sinh ống kínhcảm biến để chụp được bức ảnh sắc nét nhất. Bên cạnh đó, mình cũng sạc pin và luôn mang theo pin dự phòng nữa. Bạn cũng nên làm như vậy, khi mọi thứ trong tầm kiểm soát. Bạn sẽ tự tin chụp ảnh và giữ tâm trí được thư giãn để nhìn ngắm và cảm nhận người mẫu của mình.

Còn nhiều thứ phải chuẩn bị, bao gồm thẻ nhớ, thẻ dự phòng, hắt sáng hay dù. Hãy chuẩn bị mọi thứ bạn cần cho buổi chụp. Bạn cũng nên mang theo ống kính phù hợp nhất với buổi chụp chân dung. Ví dụ, mình thường mang theo ống kính Nikon AF-S 85mmNikon AF-S 24-70mm. Đây là tiêu cự mình thường sử dụng nhất. Đôi khi, mình thích sử dụng những tiêu cự dài hơn.

Mình sẽ mang theo một chiếc Nikon AF-S 24-70mmNikon AF-S 70-200mm. Bấy nhiêu đó quá đủ để chụp một bức ảnh chân dung đẹp. Mình đưa ra ví dụ vậy thôi, bạn không cần phải có những ống kính này. Bạn có thể chụp một bức ảnh chân dung tuyệt vời bằng ống kit theo máy hoặc một chiếc Nikon AF-S 50mm. Chúng ta qua phần tiếp theo.

5. Cài đặt thông số chụp ảnh chân dung

Kinh nghiệm chụp ảnh chân dung trẻ con
70mm 1/160 f/3.2 ISO 400

Quay trở lại thời điểm sử dụng chiếc máy ảnh Fujifilm IZI. Khi đó, mình không biết thông số chụp chân dung là gì, mà chỉ biết lắp pin thôi, lắp phim thì cháy gần nửa cuộn. Nhưng có lẽ với suy nghĩ đơn giản như vậy, giúp mình tập trung vào cảm xúc của người mẫu hơn. Mình chỉ cần mở máy và nhìn ngắm người mẫu, sau đó chờ khoảnh khắc đẹp để chụp lại. Đến giờ mình vẫn thích xem lại những bức ảnh đơn giản đó.

Cách chụp ảnh chân dung trẻ em đẹp hơn
85mm 1/320s f/2.0 ISO 100

Nhưng khi sử dụng máy ảnh bỏ túi và máy DSLR. Mình bắt đầu quan tâm tới thông số nhiều hơn. Mình bắt đầu tìm hiểu ISO, khẩu độ, tiêu cự là gì. Và mình cũng bắt đầu hỏi thông số chụp ảnh chân dung là gì? May mắn thay, nhiều anh chị đã dành thời gian để chỉ cho mình. Mình tin rằng, đây là yếu tố quan trọng để có những bức ảnh chân dung tốt hơn. Nhưng nếu không cẩn thận, đây cũng chính là yếu tố làm bạn phân tâm. Không thể chụp ra một bức ảnh chân dung tốt hơn ngày còn ngây thơ nữa. Vậy thông số chụp ảnh chân dung là gì?

Chụp ảnh chân dung người lớn tuổi đẹp hơn
70mm 1/160s f/2.8 ISO 100

Để trả lời cho câu hỏi này, bạn phải biết mình muốn gì trước? Bạn muốn thể hiện được phần nào của người mẫu. Ví dụ chụp đầu vai, cận cảnh hay bán thân. Bạn muốn chụp ảnh nét như thế nào hay nét bao nhiêu? Mọi thứ đều nằm trong tay bạn.

Bạn phải biết mình muốn gì trước khi chụp? Và cách tốt nhất để bạn biết mình muốn gì. Là chụp thử thật nhiều trước buổi gặp người mẫu của mình. Chắc hẳn nhiều bạn phân vân như sau. Tôi cần sử dụng ống kính nào, khẩu độ, tiêu cự, ISO hay chỉnh màu như thế nào?

Chân dung cô gái xinh đẹp mặc dáo dài trắng

Thực tế, bạn có thể chụp ra bức ảnh chân dung đẹp với bất kỳ ống kính nào. Nhiều bức ảnh chân dung tốt nhất của mình được chụp bằng một chiếc máy bé tẹo. Mình cũng không quan tâm nó dùng ống kính nào cả. Bạn có thể dành thời gian tham khảo trang chia sẻ ảnh miễn phí như Pixabay. Bạn sẽ thấy vô số ảnh chân dung tuyệt đẹp. Được chụp bằng máy siêu Zoom hoặc máy rẻ tiền kèm ống kính kit. Nhưng tất nhiên sẽ tốt hơn khi có sự chuẩn bị và ống kính xịn.

Trong thời gian viết bài này, mình thường chụp bằng chiếc Nikon D750. Mình sẽ cài đặt chế độ chụp M (Manual), để kiểm soát được tốc độ và khẩu độ tốt hơn. Ống kính thường sử dụng là Nikon 85mm, Nikon 24-70mmNikon 70-200mm. Sử dụng tiêu cự 50mm trở lên để chụp chân dung một người, cài đặt khẩu độ phù hợp để người mẫu nét nhất. Hoặc phù hợp với mục đích của bạn. Trong đó, bạn muốn người mẫu nét bao nhiêu, lấy được bao nhiêu cảnh.

Sau đó, cài đặt chất lượng ảnh tốt nhất. Mình thường sử dụng ảnh RAW+JPG. Trong đó, ảnh JPG để đối chiếu và ảnh RAW để chỉnh sửa được tốt hơn. Chắc hẳn nhiều bạn muốn biết sử dụng Picture Profile gì phải không? Thật sự, mình không quan tâm lắm tới Picture Profile. Đa số mình sử dụng cài đặt Portrait có sẵn trong máy. Vì nó giúp da người mẫu mịn hơn so với tiêu chuẩn thôi.

Mình sẽ cài đặt thêm tính năng chụp liên tiếp tốc độ cao CH. Để ghi lại được nhiều khoảnh khắc hơn. Sau đó, chọn chế độ đo sáng trung tâm. Điều chỉnh tốc độ và ISO để ảnh đủ sáng và bắt đầu chụp. Thực ra, những điều này đã được thử nghiệm trước rồi. Mình chỉ thay đổi một chút so với những thử nghiệm trong khi lập kế hoạch thôi.

Bạn sẽ thấy không hài lòng lắm với những bức ảnh đầu tiên. Hãy điều chỉnh lại cho đúng sáng và có màu sắc ưng ý nhất. Sau đó tiếp tục điều chỉnh cho mọi thứ phù hợp với mục đích của bạn. Và đây cũng là thời gian để người mẫu khởi động thôi. Khoảnh khắc đẹp nhất sẽ đến sau đó một chút. Bạn hãy tỉnh táo để cảm nhận và chộp lấy nó trước khi không còn cơ hội nữa.

6. Giao tiếp với người mẫu trong khi chụp chân dung

Ảnh chân dung người mẫu xinh đẹp mặc áo thun màu đỏ
200mm 1/250s f/3.2 ISO 200

Trong cuộc sống, mình ít nói mà dành thời gian cảm nhận mọi thứ đang diễn ra xung quanh. Nhưng khi chụp ảnh, mình lại nói nhiều nhưng vẫn cảm nhận được mọi thứ, đặc biệt là cảm xúc của người mẫu. Bởi vì đây là việc mình rất yêu thích và muốn hiểu được người người mẫu hơn. Và mình tin, giao tiếp rất quan trọng để có một bức ảnh chân dung đẹp và nhiều cảm xúc nữa.

Chúng ta thường chụp ảnh chân dung những cô gái mới quen hoặc bắt buộc phải chụp khi bạn làm nghề. Nhưng mình còn chụp ảnh chân dung trẻ con, người già và bất kể ai mình cảm thấy muốn chụp. Mình thấy rằng, chúng ta thường xây dựng vỏ bọc để che giấu cảm xúc thật bên trong đó. Bởi vì, ai cũng có một hình ảnh để giữ gìn mà phải không?

Ảnh chân dung người mẫu xinh đẹp tại Motoshow

Bạn sẽ thấy rất sượng khi lần đầu gặp người mẫu. Đặc biệt, khi bạn yêu cầu cô ấy cười tươi ngay trước mặt bạn. Đó là điều rất khó, trừ khi cô ấy là người mẫu chuyên nghiệp đã làm việc nhiều năm rồi. Nếu có khả năng cảm nhận tốt, bạn sẽ thấy nụ cười đó đang che dấu một điều tuyệt vời hơn bên trong đó. Việc của bạn là làm sao để cô ấy cho bạn thấy những nét tuyệt vời nhất của mình. Vậy làm thế nào?

Cách tốt nhất, hãy trở thành bạn của cô ấy ngay trong phút đầu tiên. Hãy hỏi thăm sức khoẻ và cảm xúc hiện tại của cô ấy. Cho dù bạn là người hướng nội hay ngoại gì đi nữa. Hãy làm cho bạn thoải mái trước và để cô ấy cảm nhận được điều đó. Cứ nói chuyện vui vẻ như bạn bè, đừng nói chuyện như một tay chụp ảnh hay một công việc.

Mình đã làm như thế, đa số người mẫu đều thoải mái, tâm sự những điều mà còn chẳng thèm nói với người yêu của họ. Khi bạn thấy gương mặt người mẫu thoải mái, ánh mắt vui vẻ và nói ra những tâm sự thật lòng hơn. Đó là lúc ghi lại những khoảnh khắc đẹp nhất của cô ấy.

Mà bạn biết đấy, khoảnh khắc đẹp nhất thì loé lên trong vài phần của giây thôi. Bạn phải chuẩn bị đủ kỹ năng, hiểu biết về thiết bị và sẵn sàng đón nhận nó. Bạn không được lúng túng trong những lúc như vậy. Bạn chỉ cần trần chừ nửa giây thôi là mất hết. Và những khoảnh khắc bừng sáng tươi vui đó rất khó diễn lại. Diễn lại thì không tự nhiên, trừ khi cô ấy đạt tới mức chuyên nghiệp trong nghề làm mẫu.

Và chúng ta đang nhắm tới chụp một bức ảnh chân dung đẹp cho bạn bè, người thân nữa. Hãy hình dung một buổi Cafe cùng bạn bè xem nào. Trong cả buổi đó, bạn sẽ thấy một vài khoảnh khắc. Trong đó cô bạn đối diện vui tươi và bừng sáng, hấp dẫn nhất. Khoảnh khắc đó rất ngắn và khác biệt hẳn so với những thời điểm khác.

Chụp chân dung tập thể trẻ con đẹp hơn
85mm 1/160s f/3.2 ISO 100

Bạn hãy cố gắng chờ đợi và ghi lại những khoảnh khắc như vậy. Nhưng khó lắm đấy, một phần vì chúng ta bị phân tâm do thiết bị, do những tác động từ môi trường bên ngoài. Một phần vì ngày nay sống quá nhanh, bị phân tâm bởi điện thoại nữa. Không nhiều người cảm nhận được những giây phút toả sáng đó. Nếu bạn muốn chụp những bức ảnh chân dung đẹp nhất cho bạn và người mẫu của mình. Để bạn muốn nhìn lại nó ngày này tháng khác và sau nhiều năm nữa. Chắc chắn, bạn phải dành thời gian quan sát, cảm nhận để ghi lại những khoảnh khắc như vậy.

Cách đây vài tháng, một cô bé chạy xe theo mình và nói rằng “chú chụp ảnh cho con”. Mình hơi bất ngờ , nhưng kịp nhận ra, cô bé đã xem ảnh cậu em trai và thích có những bức ảnh như vậy. Với kinh nghiệm lâu năm, mình trở thành bạn cô bé ngay trong phút đầu tiên. Thay đổi cách nói chuyện như bạn bè cùng lớp với cô bé vậy. Mình chụp ngay khi cô bé còn ngồi trên xe. Đã có ảnh đẹp, nhưng khi đưa máy thêm một vài giây nữa. Cô bé bắt đầu khựng lại và hiện rõ lo lắng trên gương mặt.

Đây là điều bình thường với những cô bé còn học cấp 2 như vậy. Mình cảm nhận được lo lắng và nhịp tim đang tăng mạnh của cô ấy. Một vài bức ảnh tiếp theo khá căng thẳng. Mình tạm dừng và hỏi thăm về những bức ảnh cũ của cậu em trai.

Mọi chuyện bắt đầu tốt hơn và cô bé nói tại sao lại đuổi theo mình. Thấy cô bé vui vẻ và không còn căng thẳng nữa. Những bức ảnh sau đó trở nên tuyệt vời hơn nhiều. Bạn sẽ thấy bức ảnh trong phần cuối bài viết này. Nhưng phải thừa nhận, chúng ta có cơ chế phòng thủ rất mạnh. Việc của người chụp chân dung là giảm nó đến mức thấp nhất.

Từ sau buổi chụp đó, mình hay hỏi thăm mỗi khi gặp cô bé. Sau khoảng một tuần, mình đã chụp thêm nhiều ảnh và nhớ hết tên mấy bạn đó luôn. Cô bé rất thoải mái và tin tưởng để mình chụp nhiều ảnh đẹp hơn. Và mình đã có những bức ảnh ưng ý. Mình tin, đó là những bức ảnh đẹp nhất của cô bé này trong nhiều năm nữa. Như vậy, để chụp được bức ảnh chân dung đẹp. Bạn hãy cố gắng trở thành bạn, chia sẻ cảm xúc và xây dựng lòng tin trong khi giao tiếp với người mẫu nhé.

Nhắc tới lòng tin, mình nhớ lại câu chuyện với cô người mẫu mình yêu mến nhất. Có một thời gian, cô ấy giận mình vì thấy mình đăng mấy ảnh người mẫu thiếu vải. Cho nên, cô ấy xây dựng một lớp phòng thủ với mình. Thật ra mình không để ý lắm, chắc có một thời gian mình theo mấy nhóm chụp mấy bạn ăn mặc hấp dẫn quá. Lúc đó, mình chụp với tâm thế cảm nhận cái đẹp thôi. Chẳng quan tâm mấy bạn đó mặc gì.

Cho đến một lần tâm sự để hiểu nhau hơn, cô ấy nói “E tưởng anh cũng như mọi người”. Đấy bạn thấy chưa, nếu để người mẫu rơi vào trạng thái này, thì rất khó chụp được bức ảnh đẹp của cô ấy. Có thể nó vẫn đẹp về mặt chất lượng ảnh, nét đẹp bẩm sinh, nét đẹp thể hiện trên gương mặt. Nhưng rất khó để cô ấy cho bạn thấy được trái tim và cảm xúc đẹp nhất của cô ấy.

Hãy làm bạn, tâm sự, tin tưởng và giữ cái tâm đẹp của bạn. Để người mẫu thoải mái khi gần bạn và cho bạn được nhìn thấy nét đẹp nhất của cô ấy. Tất nhiên, bạn có thể áp dụng để chụp ảnh trẻ em, người lớn tuổi, ảnh cưới hoặc tập thể. Chỉ cần có một sự ngăn cách, phòng thủ rất nhỏ. Bạn sẽ khó mà chụp được bức ảnh chân dung đẹp nhất. Để cả hai đều muốn nhìn lại và cảm thấy hạnh phúc sau nhiều năm nữa. Mình sẽ dừng lại phần này tại đây, chuyên qua phần tiếp theo nha.

7. Bố cục để chụp ảnh chân dung đẹp hơn

Bố cục chụp ảnh chân dung đẹp hơn
70mm 1/200s f/2.8 ISO 100

Ngoài kỹ năng bấm máy, cảm nhận thời điểm và cảm xúc của người mẫu trong khi chụp chân dung. Bạn cũng nên dành thời gian bổ sung kiến thức, trong đó học cách bố cục sao cho đẹp. Trong thời gian đầu, mình không quan tâm bố cục là gì? Mình cũng có ảnh đẹp, bởi vì mình đã dành nhiều thời gian chụp đủ kiểu rồi.

Nhưng sau này, mình dành thời gian để học thêm. Mình biết, bố cục là một phần rất quan trọng của bức ảnh chân dung. Bạn có thể tìm thấy nhiều bài hướng dẫn bố cục trong nhiếp ảnh. Trong đó, chúng ta thấy quy tắc 1/3 và rất nhiều biến thể khác. Và bạn nên học tất cả chúng để áp dụng trong khi chụp ảnh chân dung.

Cách bố cục chụp ảnh chân dung đẹp hơn
82mm 1/320s f/2.8 ISO 200

Mình đã thực hành điều đó trong tất cả những bức ảnh trở về sau này. Trong đó, mình cố gắng điều chỉnh khung hình phù hợp với mục đích chụp. Trong đó người mẫu chiếm một tỷ lệ hợp lý với khung cảnh. Mang lại cảm giác thoải mái cho người xem ảnh và không bó chặt người mẫu vào viền ảnh. Và mình rất khó tính, đến mức cố gắng chụp ra những bức ảnh bố cục chuẩn mà không phải Crop lại.

Thật ra khó tính cũng tốt. Để rèn luyện khả năng bố cục trước khi chụp. Mình đã hình dung bức ảnh như thế nào trước khi chụp rồi. Nên chỉ việc thể hiện nó trong khi bấm máy thôi. Nhưng nhắc tới đây, mình chợt nhớ đến một người đồng nghiệp cũ. Bạn ấy hỏi mình “sao chụp tấm ảnh nào cũng bị lệch qua một bên như vậy”?

Chân dung cô gái xinh đẹp đang cầm máy tính bảng
50mm 1/125s f/3.5 ISO 100

Mỗi lần nghĩ lại câu hỏi này mình thấy buồn cười và hơi nhói trong tim. Vì bạn đã qua đời cách đây không lâu. Nhưng nó cũng là một câu hỏi giúp mình cải thiện khả năng bố cục. Khi đó, mình áp dụng quy tắc 1/3 một cách khô cứng. Người mẫu sẽ lệch về bên này hoặc bên kia khung hình. Mà chẳng cần biết có hợp lý không so với mọi thứ khác.

Sau câu hỏi như vậy và hiểu rõ các quy tắc trong bố cục. Mình đã thử nghiệm nhiều cách hơn và cởi mở hơn trong khi chụp. Mình thường di chuyển quanh người mẫu, thay đổi góc nhìn cao thấp khác nhau. Nhưng người xem vẫn thấy người mẫu được tự do, nổi bật trong bức ảnh. Có thể, nó chỉ gần đúng với quy tắc, nhưng mình thích những bức ảnh như thế.

Chân dung cô gái trong vườn hoa cúc họa mi
102mm 1/250s f/3.2 ISO 100

Bạn là người mới học chụp ảnh, thì áp dụng quy tắc một cách cứng nhắc cũng được. Để bạn hiểu nó được áp dụng ra sao, sau đó điều chỉnh cho phù hợp với phong cách và sở thích của bạn. Quy tắc là một chuyện, nhưng chụp bức ảnh nào cũng bố cục như nhau cũng chán phải không?

Chân dung cô xinh đẹp mặc áo dài màu trắng
50mm 1/800s f/3.2 ISO 100

Trước khi có thể vượt được những quy tắc đó, bạn phải hiểu, áp dụng và thử nghiệm thật nhiều. Và sau đó, hãy kết hợp với phong cách của bạn để chụp ra những bức ảnh chân dung tốt nhất trong khả năng của mình. Để chính bạn và người trong ảnh thấy hạnh phúc mỗi khi xem lại. Mình sẽ dừng lại phần này tại đây nhé. Chúng ta qua phần tiếp theo.

8. Chỉnh sửa ảnh chân dung để có ảnh đẹp hơn

Ảnh chân dung cô gái mặc váy màu xanh trong vườn cúc họa mi
185mm 1/200s f/2.8 ISO 100

Trong thời gian đầu học nhiếp ảnh. Mình được gặp rất nhiều anh chị thích sử dụng ảnh gốc. Thật sự, nhiều anh chị chụp ảnh gốc tuyệt đẹp. Nhưng đó là kinh nghiệm cả đời của họ rồi. Bên cạnh đó, mình cũng thấy rất nhiều bạn mê chỉnh sửa ảnh chân dung cho đẹp hơn. Lúc đó, mình cũng mới học Photoshop thôi, đến Layer là gì còn phải đi hỏi. Cho nên không dám hó hé gì cả. Sau một thời gian dài thử nghiệm cả hai góc nhìn trên.

Ảnh chân dung cô gái mặc áo dài màu hồng
50mm 1/320s f/3.5 ISO 100

Mình thấy rằng, chúng ta nên học Photoshop, Lightroom để chỉnh sửa ảnh chân dung đẹp hơn. Bởi vì, trong thực tế, rất hiếm khi chụp được một bức ảnh chân dung hoàn hảo trong ánh sáng tự nhiên. Bạn sẽ thấy hơi tối, hơi mờ, hơi hơi gì đó. Ngay cả đến trong Studio cũng khó mà hoàn hảo được. Nguyên nhân có thể đến từ môi trường và những khuyết điểm trên gương mặt người mẫu. Đó là lúc chúng ta cần sử dụng phần mềm chỉnh sửa ảnh. Dù bạn chọn chỉnh sửa hay không? Thì mục đích cuối cùng là có một bức ảnh chân dung đẹp nhất trong khả năng của bạn. Và mình rất thoải mái trong việc này. Mình thử nghiệm tất cả những ý tưởng loé lên trong đầu.

Trong đó, mình thường tăng sáng, chỉnh màu, làm mịn da cho người mẫu đẹp hơn. Tất nhiên, chúng ta đang nói tới những bức ảnh chân dung người mẫu xinh đẹp rồi. Khi chụp chân dung người lớn tuổi, mình sẽ làm ngược lại. Để thấy được những nét của thời gian và sương gió trên gương mặt của họ. Chẳng có giới hạn nào trong việc chỉnh sửa ảnh. Chỉ cần mình thấy hài lòng và nhìn thấy niềm vui trong mắt người mẫu khi xem ảnh là được.

Crop ảnh để chụp chân dung đẹp hơn
50mm 1/125s f/3.5 ISO 100

Trong khi chụp ảnh chân dung, bạn dễ nhận thấy rất khó để có những bức ảnh hoàn hảo. Bởi vì, cuộc sống nó thế, không có gì là hoàn hảo không tỳ vết cả. Bạn hãy chấp nhận điều đó và làm ra tác phẩm tốt nhất trong thời điểm bấm máy là được. Và việc chụp một bức ảnh nghiêng ngả, quá rộng hoàn toàn có thể khắc phục được.

Mình hay dành thời gian để ngắm lại những bức ảnh cũ. Trong đó, mình Crop lại các kiểu xem cách nào đẹp nhất. Và bạn đang xem một trong những bức ảnh đầu tiên mình thấy hài lòng sau khi Crop. Chúng ta tập trung vào người mẫu tốt hơn. Thể hiện được nét đẹp của cô ấy tốt hơn. Mình biết, nhiều bạn muốn bình phẩm bức ảnh này lắm.

Không sao, bởi vì quan điểm về cái đẹp của chúng ta rất khác nhau. Bạn cứ mạnh dạn để lại bình luận phía dưới nhé. Mình sẽ học hỏi từ bạn và xem có phù hợp không. Chúng ta dừng phần này ở đây. Hẹn gặp lại trong phần tiếp theo.

9. Làm sao để chụp ảnh chân dung có hồn

Cách chụp ảnh chân dung có hồn
70mm 1/160s f/3.2 ISO 400

Một trong những điều mình thấy hài lòng nhất khi chụp chân dung. Đó là, bạn bè thường thích thú nhìn những bức ảnh đó. Giống như họ đang sống trong bức ảnh đó vậy. Một số bạn thì nói rằng bức ảnh có hồn. Trong thời gian đầu, mình không để ý tới việc này lắm. Chỉ đơn giản là cảm nhận và chụp tốt nhất trong khả năng hiện tại thôi.

Sau này, mình dành thời gian tham gia các nhóm nhiếp ảnh. Mình cũng dành thời gian xem lại ảnh cũ nhiều hơn. Mình thấy một điều đáng quan tâm. Đó là những bức ảnh đó thật sự tốt và sống động hơn mình nghĩ. Và có lẽ, mọi người thấy nó sống động và thể hiện được niềm vui, nỗi buồn và cảm xúc của họ. Nên cho rằng những bức ảnh đó có hồn. Đây cũng là điều quan trọng nhất khi chụp ảnh chân dung.

Một bức ảnh chân dung hoàn hảo về ánh sáng, trang phục, người mẫu đẹp bẩm sinh, máy xịn. Nhưng nhìn vào vẫn thấy thiếu thiếu gì đó. Có lẽ, đó là bức ảnh không có hồn. Không cảm được sức sống trong bức ảnh đó. Và mình cũng thấy điều này khi tham gia các nhóm nhiếp ảnh. Một người mẫu và hàng chục tay máy, hàng ngàn tấm ảnh.

Nhưng vẫn dễ nhận thấy, có một bức ảnh đẹp nhất trong đó. Thể hiện được lúc người mẫu vui, toả sáng nhất, để thấy được trái tim của cô ấy. Những ảnh còn lại vẫn đẹp về mặt chất lượng. Nhưng nó không mang lại cảm giác đó. Bởi vì, bấm máy thì ai cũng biết. Nhưng người cảm nhận được khoảnh khắc đẹp và sống động nhất thì không nhiều. Và điều này do bản thân chúng ta và rèn luyện nữa. Vậy làm thế nào để chụp được bức ảnh có hồn?

Cách chụp ảnh chân dung đẹp và có hồn
85mm 1/320s f/2.0 ISO 100

Trước tiên, bạn có cảm nhận được cảm xúc trên gương mặt, cử chỉ của người khác không? Bạn có thường xuyên rèn luyện việc này không? Bạn không thể chụp ra một bức ảnh có hồn, nếu bạn nhìn người mẫu với một ánh mắt lơ đãng vô hồn, không cảm nhận được gì cả. Và mình liên tục rèn luyện kỹ năng này trong nhiều năm. Mình luôn cố gắng phát hiện từng thay đổi nhỏ trên gương mặt, ánh mắt, cử chỉ của người mẫu. Ngay cả trong những lúc không nhìn, chỉ cần nghe giọng nói của người mẫu thôi. Phải làm liên tục như vậy, đến khi bước vào chụp ảnh bạn mới có thể chụp tốt hơn.

Bạn đã hiểu rõ thiết bị và sẵn sàng đón nhận khoảnh khắc đó chưa? Trong những ngày mới chuyển sang máy ảnh DSLR. Mình đã bỏ lỡ nhiều khoảnh khắc mà trái tim cảm nhận được, nhưng cái đầu và chân tay không theo kịp. Bởi vì lúc đó mình không hiểu rõ thiết bị đang sử dụng. Và mình đã dành rất nhiều thời gian để khắc phục việc này.

Bạn phải hiểu thiết bị của mình như lòng bàn tay vậy. Giống như bạn chạy xe máy tới mức chuyên nghiệp. Bạn có thể đạp phanh, vào số, nhấp nhả mà không cần nghĩ luôn. Chụp ảnh cũng phải như vậy. Bạn phải đạt tới mức đó, để luôn sẵn sàng ghi lại khoảnh khắc đẹp nhất của người mẫu. Ví dụ, bạn cảm nhận được khoảnh khắc này.

Nhưng chưa lấy nét, chưa chỉnh thông số xong. Mọi thứ đã qua mất rồi. Trong một buổi chụp chân dung không có nhiều khoảnh khắc như thế. Bạn chỉ cần bỏ qua 3 lần thôi, khả năng bạn sắp có một buổi chụp thất bại.

Bên cạnh đó, bạn cũng phải học cách giao tiếp, cảm nhận trái tim, ánh mắt của người mẫu. Thật sự, nói có vẻ hơi buồn cười. Nhưng mình cảm nhận được những vui sướng, sợ hãi, lo lắng và nhịp tim đang tăng mạnh của người mẫu. Có thể nó không chính xác như chiếc máy. Nhưng, mình thấy như đang đồng bộ với người mẫu vậy. Khi mình cảm nhận được điều này, giúp mình ghi lại khoảnh khắc đẹp nhất của người mẫu tốt hơn.

Giữ cho không khí thoải mái. Có lẽ, ai cũng muốn sống trong một không gian thoải mái, tin tưởng. Bạn không thể chụp ra một bức ảnh có hồn. Nếu bạn tạo áp lực có một tấm ảnh đẹp lên người mẫu. Hay khi cô ấy còn lo lắng về bạn. Hãy làm mọi cách để giữ cho buổi chụp thoải mái, thư giãn và tin tưởng lần nhau. Chắc chắn bạn sẽ có những bức ảnh chân dung tuyệt đẹp.

10. Rèn luyện kỹ năng chụp ảnh chân dung đẹp hơn

Chụp chân dung bằng máy ảnh bỏ túi đẹp hơn
6.5mm 1/200s f/8.0 ISO 100 – Panasonic Lumix DMC-F3

Làm thế nào để chụp ảnh chân dung tốt hơn? Chúng ta biết rằng, không có thứ gì giỏi sau vài ngày đến vài tháng. Chụp ảnh cũng như vậy. Mình bắt đầu chụp từ nhiều năm trước và đến giờ vẫn luôn học hỏi để tốt hơn. Và chẳng còn cách nào khác là liên tục học và sửa lỗi. Vậy học như thế nào?

Bạn hãy dành thời gian tham gia các khoá học chụp ảnh. Đó là cách tốt nhất để cải thiện kỹ năng của bạn trong thời gian ngắn nhất. Tham gia các hội nhóm nhiếp ảnh để thực hành nhiều hơn. Học quá nhiều mà không chụp thì cũng không hay lắm.

Luyện tập chụp ảnh chân dung đẹp hơn
100mm 1/400s f/4.0 ISO 200

Và một điều quan trọng, ngoài kỹ năng chụp ảnh. Bạn phải học cách cảm nhận trái tim người khác và những cái đẹp trong cuộc sống. Đây là cái khó học hơn kỹ thuật chụp. Mình liên tục học cách cảm nhận những điều này. Ngay cả trong khi lái xe, mình cũng nhìn ngắm mọi người. Mình nghĩ ngay góc chụp nào đẹp và chụp thế nào cho hay nhất. Dù lúc đó không chụp một bức ảnh nào.

Rèn luyện kỹ năng chụp ảnh chân dung
4mm 1/145s f/1.9 SO 64 – Samsung J5

Hiện tại, trong túi mình luôn mang theo một chiếc điện thoại để sẵn sàng ghi lại những khoảnh khắc đó. Như bức ảnh trên, mình tới thăm cô bạn vào một buổi sáng sớm. Thấy mọi thứ đẹp quá, bảo để anh chụp một tấm. Mặc dù chất lượng ảnh không cao như máy ảnh. Nhưng mình thích và rèn luyện được từ những bức ảnh như thế.

Cách chụp chân dung đẹp bằng điện thoại
4mm 1/1000s f/2.2 ISO 25 – iPhone 6s Plus

Và chúng ta gặp lại cô bé trong phần trước. Mình thấy vui với những bạn nhỏ này. Giống như những viên ngọc trong cuộc sống vậy. Mình thường chụp ngay khi có thể. Và nhiều ảnh thể hiện được cảm xúc của các bạn ấy, cho dù chụp với một chiếc điện thoại trong điều kiện bình thường.

Chúng ta nên rèn luyện khả năng khi lại cảm xúc để chụp ảnh chân dung tốt hơn. Chụp chân dung đẹp về kỹ thuật không khó và gần như ai cũng học được. Chụp trong Studio còn dễ hơn nữa. Nhưng chụp chân dung và ghi lại cảm xúc của bất kỳ ai chúng ta gặp thì không dễ. Mà phải dành nhiều thời gian học hỏi, cảm nhận và thực hành liên tục. Chúc bạn thật nhiều ảnh đẹp.

11. Tổng kết kinh nghiệm chụp ảnh chân dung đẹp

Cách chụp ảnh chân dung đẹp như thế nào?

Bạn cần hiểu thiết bị đang sử dụng. Cài đặt thông số phù hợp với điều kiện chụp ảnh. Sau đó cảm nhận và ghi lại cảm xúc của người mẫu. Như vậy sẽ có một bức ảnh chân dung đẹp hơn.

Tôi cần mua máy ảnh nào để chụp chân dung đẹp hơn?

Bạn có thể chụp chân dung đẹp bằng bất kỳ máy ảnh nào. Vấn đề không nằm ở thiết bị. Mà vấn đề nằm ở kỹ năng và khả năng cảm nhận của bạn.

Tôi nên mua ống kính nào để chụp chân dung đẹp hơn?

Bạn không cần mua ống kính tốt để có ảnh chân dung đẹp hơn. Nhưng nếu bạn muốn làm nổi bật người mẫu hơn, thì hãy tham khảo ống kính khẩu độ lớn f/1.8.

Tôi có nên chỉnh sửa ảnh chân dung không?

Vấn đề nằm ở bạn muốn gì? Bạn có thể chỉnh sửa để ảnh đẹp hơn. Bởi vì, mục đích cuối cùng là một bức ảnh đẹp cho bạn và người mẫu. Hãy thoải mái để đạt được mong muốn của bạn.

Làm thế nào để chụp một bức ảnh chân dung đẹp, khi người mẫu không đẹp?

Vấn đề nằm ở bạn quan niệm cái đẹp như thế nào? Nếu bạn chỉ mơ tới những người quá đẹp, thì rất khó chụp chân dung đẹp với người bình thường. Hãy dành thời gian tham khảo ảnh chân dung của nước ngoài. Bạn sẽ thấy rất nhiều ảnh chân dung chụp người bình thường, nhưng vẫn cảm nhận được cái đẹp đặc biệt trong đó.

Chúng ta đến phần cuối rồi. Mình đã chia sẻ những suy nghĩ và kinh nghiệm để chụp một bức ảnh chân dung đẹp hơn. Chắc hẳn bạn cũng nhận thấy, mình không nói nhiều đến thông số và cài đặt máy ảnh phải không?

Đúng, bởi vì đó là thứ bạn phải hiểu và tuỳ biến trong khi chụp. Và một bức ảnh chân dung đẹp thường liên quan tới cảm xúc nhiều hơn. Bạn phải tự giải quyết vấn đề kỹ thuật, sau đó học cách cảm nhận để ghi lại khoảnh khắc đẹp nhất của người mẫu. Đó là khoảnh khắc bừng sáng, vui sướng, buồn, nhớ nhung.

Dù là gì đi nữa, hãy ghi lại lúc cảm xúc đạt giới hạn cao nhất. Và quan trọng, bạn chỉ cần tự học và cải thiện thôi. Đừng so sánh quá nhiều với người khác. Như vậy sẽ làm bạn giảm nhiệt huyết với những bức ảnh của mình đấy. Chúc bạn có thật nhiều ảnh đẹp với người mẫu của mình. Chúc bạn vui sướng mỗi khi xem lại bức ảnh đó. Còn bây giờ, chúng ta phải chia tay rồi. Cảm ơn đã dành thời gian tham khảo.

12. Đọc thêm

Dùng thử Adobe Photoshop 2024

4 bình luận về “Cách chụp ảnh chân dung đẹp hơn

Để lại một bình luận

Email của bạn không hiển thị công khai. Mình sẽ trả lời bình luận trong ngày. Nhớ quay lại đọc phản hồi nhé. Cảm ơn bạn đã dành thời gian.