Nhiều bạn hỏi thông số chụp ảnh sự kiện như thế nào? Trong đó nhiều câu hỏi chi tiết như, chế độ lấy nét, tốc độ, iso… Thật sự, mình không có thông số cho mọi trường hợp. Bởi vì, thông số phụ thuộc địa điểm, thời tiết, đèn đóm…Trong bài viết này, mình sẽ giải thích những cài đặt quan trọng, để bạn hiểu được. Sau đó điều chỉnh phù hợp với điều kiện thực tế. Hy vọng giúp bạn tự tin hơn khi chụp ảnh sự kiện.
Nội dung
1. Mục đích chụp ảnh sự kiện
Trước khi bắt đầu buổi chụp ảnh sự kiện. Chúng ta nên xác định mục đích là gì? Bạn làm dịch vụ lấy tiền hay chụp lấy kinh nghiệm? Chúng ta nên xác định rõ mục đích, như vậy sẽ thoải mái tư tưởng và có kết quả tốt hơn. Mình thường làm dịch vụ chụp sự kiện tại trường học, đám cưới… Nhưng thật lòng, mình chụp vì thích vậy, không hẳn vì tiền.
Cho nên, mình sẽ kết hợp chụp theo yêu cầu và chụp ảnh mình thích. Như vậy mang lại cảm giác vui vẻ và học được nhiều hơn. Vậy cài đặt thông số chụp ảnh sự kiện như thế nào?
2. Cài đặt thông số chụp ảnh sự kiện
Thông số chụp ảnh sự kiện, hiểu rộng hơn là thông số chụp đám hỏi, lễ tốt nghiệp, sinh nhật…Tất cả những hoạt động của đoàn đội, tổ chức. Trong đó chủ thể tĩnh, di chuyển, ánh sáng thay đổi liên tục. Không có thông số cho mọi trường hợp như vậy được. Vậy làm sao để tìm ra thông số phù hợp. Mình sẽ đính kèm thông số trong bài viết này.
Bên cạnh đó, mình sẽ giải thích tại sao lại như vậy. Bạn hãy thử nghiệm và điều chỉnh lại cho phù hợp với điều kiện thực tế. Một số ảnh mình không giải thích, bạn hãy suy luận tại sao như vậy nha. Giải thích hết còn gì vui nữa @_@.
Chế độ chụp ảnh sự kiện | Chế độ M |
Chất lượng ảnh | JPG Fine RAW 14 bit không nén |
Ống kính | Nikon AF-S 14-24mm f/2.8 Nikon AF-S 24-70mm f/2.8 Nikon AF-S 70-200mm f/2.8 |
Tiêu cự | Thay đổi từ 14-200mm. Phụ thuộc vào vị trí và mục đích chụp |
Khẩu độ | f/2.8 đến f/16.0 |
Tốc độ chụp | Tốc độ tiêu chuẩn 1/tiêu cự đang sử dụng. Sử dụng tốc độ cao để chụp ảnh chuyển động. |
Chống rung | Luôn bật |
Cân bằng trắng | Cân bằng trắng thủ công dựa vào LiveView. |
ISO | ISO 100 trong điều kiện tốt, đủ sáng SO 200-6400 trong điều kiện thiếu sáng |
Chế độ nhả màn trập | Sử dụng chế độ CH để chụp tốc độ cao |
Chế độ lấy nét | Lấy nét bằng phím AF-ON Sử dụng AF-S để lấy nét chủ thể tĩnh Sử dụng AF-C để lấy nét chủ thể chuyển động |
Đèn Flash | Sử dụng trong điều kiện thiếu sáng, khi ISO không đáp ứng được. Hoặc ngược sáng. |
Ảnh đã giảm kích thước và chất lượng để tải nhanh hơn. Ảnh gốc nét và sống động hơn một chút. Bạn hãy coi bài viết như ngồi nói chuyện với mình cũng được. Mình không viết lần lượt như một bài báo, tới ảnh nào thì chém gió ảnh đấy.
Cài đặt thông số chụp ảnh sự kiện như thế nào? Mình thường sử dụng chế độ M để kiểm soát tốc độ và khẩu độ tốt hơn. Nhưng trong một buổi chụp sự kiện. Bạn thấy đôi lúc cần chụp ảnh chủ thể tĩnh, đôi lúc chủ thể di chuyển. Chúng ta không đủ thời gian điều chỉnh lại chế độ lấy nét.
Do đó, mình cài đặt chế độ M lấy nét tĩnh AF-S gán vào U1. Sau đó cài đặt chế độ M lấy nét động AF-C rồi gán vào U2. Khi cần thay đổi chụp chế độ tĩnh hoặc động. Mình chỉ cần xoay qua U1 hoặc U2 là xong.
Khi chụp chủ thể chuyển động, trong điều kiện thiếu sáng, trên sân khấu, phòng học. Mình sử dụng chế độ lấy nét AF-C 9 điểm hoặc AF-C Group. Để tăng khả năng lấy nét thành công trong điều kiện khó như vậy. Tất nhiên, mình luôn sử dụng AF-ON để lấy nét chủ động hơn.
Vậy sử dụng ISO, khẩu độ, tốc độ bao nhiêu? Mình thường sử dụng ISO 100 trong điều kiện ánh sáng tốt. Bởi vì đây là mức ISO cơ bản, cho độ nét, màu sắc tốt, ít nhiễu. Trong trường hợp thiếu sáng, mình sẽ tăng ISO lên mức cao từ 200 đến 6400.
Mình sẽ tăng ISO để đạt được khẩu độ, tốc độ chụp như mong muốn. Vậy nhiễu thì sao? Trong chụp ảnh sự kiện thiếu sáng, ví dụ như trên sân khấu. Bạn cứ mạnh dạn tăng ISO, để giữ tốc độ chụp phù hợp với chuyển động của chủ thể.
Ảnh nhiễu một chút có thể xử lý được. Nhưng ảnh mờ nhoè do tốc độ chậm thì không thể làm gì hơn. Do đó, chúng ta nên chụp ra những bức ảnh sắc nét. Nhiễu một chút cũng được, xử lý trên máy tính sau nha.
Vậy cân bằng trắng như thế nào? Mình sử dụng cân bằng trắng thủ công qua LiveView. Nhưng luôn sử dụng ảnh RAW để hậu kỳ. Bởi vì ảnh RAW không giảm chất lượng, ám màu khi điều chỉnh lại cân bằng trắng. Trong những buổi chụp trên sân khấu với đèn nhân tạo. Bạn thấy rằng màu sắc thay đổi liên tục. Việc chụp đúng cân bằng trắng rất khó. Cho nên hãy sử dụng ảnh RAW trong mọi trường hợp nhé.
Chúng ta đến với bức ảnh chụp hoạt động cắm trại, trong điều kiện rất tốt. Như bạn thấy, mình sử dụng chế độ M để kiểm soát tốc độ và khẩu độ. Giúp ảnh có độ sáng đồng đều hơn. Tiêu cự 45mm để lấy được nhiều cảnh. Tốc độ chụp 1/200s để bắt kịp chuyển động của chủ thể. Bởi vì chủ thể di chuyển không nhanh lắm.
Bên cạnh đó, mình sử dụng khẩu độ f/5.6 để vùng ảnh nét dày hơn. Tất nhiên, mình sử dụng lấy nét AF-C 1 điểm vào đoàn người ở giữa. Kết hợp giữ phím lấy nét AF-ON và chụp với chế độ CH để ghi lại nhiều khoảnh khắc hơn. Như vậy, chúng ta dễ có ảnh tốt so với chụp một ảnh (S).
Mình chụp do thích bạn gái dẫn đầu, trông tươi vui khác hẳn những người còn lại. Mình vẫn sử dụng chế độ M để kiểm soát khẩu độ, tốc độ. Nhưng do đứng khá xa, mình tăng tiêu cự lên 150mm để tập trung vào bạn ấy tốt hơn.
Bên cạnh đó, mình còn tăng ISO 200 và tăng tốc độ chụp 1/640s để bắt kịp chuyển động. Do bạn di chuyển nhanh hơn bức ảnh trước. Như bạn thấy, chất lượng ảnh tốt và bắt kịp khoảnh khắc vui tươi. Một số điểm không thay đổi so với ảnh trước là f/5.6 và AF-C 1 điểm.
Trong trường hợp này, mình sử dụng chế độ lấy nét tĩnh AF-S, ISO 200 và khẩu độ f/8.0 để có vùng ảnh nét dày hơn. Vậy tại sao lại sử dụng AF-S? Bởi vì những chủ thể chính không di chuyển. Dùng AF-S lấy nét nhanh và chính xác hơn. Tất nhiên, bạn có thể sử dụng AF-C, nhưng có độ trễ cao hơn một chút.
Trong lúc mình đang chụp tốt nghiệp dưới sân trường, trời thì mưa. Mình thấy một số bạn cứ nhìn mãi. Nên quay lại chụp cho mấy bạn ấy. Điều kiện chụp tương đối ổn định. Do đó, mình vẫn sử dụng chế độ lấy nét tĩnh AF-S. Điều chỉnh tốc độ chụp cho ảnh đủ sáng. Bởi vì khoảnh khắc này chỉ diễn ra trong vài giây. Mình không có thời gian điều chỉnh hơn. À, mình thích trái tim kia (^_^).
Đây là cô hàng xóm của mình (^_^). Nguồn sáng là dàn đèn sân khấu chiếu thẳng vào mặt, không tản sáng. Chúng ta thấy ảnh sáng rất gắt như vậy. Trong trường hợp này, mình sử dụng tốc độc chụp 1/500s để bắt kịp chuyển động. Không sử dụng Flash mà tăng ISO 1000 để ảnh đủ sáng và giữ được tốc độ chụp cao. Tất nhiên, mình sử dụng chế độ lấy nét liên tục AF-C 1 điểm và AF-ON để theo nét tốt hơn.
Cũng trong điều kiện tương tự. Nhưng nhóm này biểu diễn chậm hơn một chút. Mình giảm tốc độ chụp lại, từ đó giảm được ISO. Chúng ta vẫn sử dụng chế độ lấy nét động AF-C 1 điểm, kết hợp với lấy nét AF-ON. Mặc dù chụp với ISO cao, không Flash trong điều kiện không mấy dễ chịu. Nhưng ảnh tương đối tốt. Theo mình là vậy.
3. Kinh nghiệm chụp ảnh sự kiện
Mình đã chụp ảnh sự kiện nhiều năm. Những sự kiện lớn như biểu diễn thời trang, triển lãm tại Sài Gòn. Bên cạnh đó, mình cũng chụp nhiều sự kiện bình thường, như cưới hỏi, lễ tốt nghiệp, văn nghệ tại quê nhà.
Qua đó, mình đã học được một số kinh nghiệm để chia sẻ lại với bạn. Mình thấy chụp sự kiện lớn, chuyên nghiệp dễ hơn nhiều. Bởi vì mọi thứ được tính toán kỹ, bao gồm vị trí, ánh sáng, trang phục và người mẫu. Chúng ta chỉ cần chụp thử một chút và điều chỉnh lại sẽ có ảnh tốt.
Nhưng trong những sự kiện thường ngày. Đặc biệt là những sự kiện trên sân khấu tại quê. Bên tổ chức thường sử dụng đèn rất mạnh. Chúng tạo ra ánh sáng rất gắt, màu sắc khó kiểm soát. Cho nên, trong những điều kiện đó.
Chúng ta nên đi sớm, chụp thử thật nhiều trước khi bắt đầu. Đừng cố gắng chụp đúng sáng với những chiếc đèn đó. Bởi vì ánh sáng quá gắt, nhiều vùng ảnh bị cháy và khó sửa.
Mình hay chụp thiếu sáng hơn thực tế một chút. Để giữ lại chi tiết vùng sáng nhất trong ảnh. Như vậy chỉnh sửa dễ hơn ảnh bị cháy sáng. Ngoài ra, trong buổi chụp cũng thay đổi liên tục. Cho nên, bạn hãy vui vẻ thử nghiệm. Đừng ngại thay đổi, mục đích cuối cùng là có ảnh tốt, làm bạn, khách hàng của bạn hài lòng.
Như vậy, chúng ta vừa tìm hiểu xong một vài kinh nghiệm chụp ảnh sự kiện rồi. Nếu thấy phần nào chưa hiểu rõ hoặc còn thiếu. Vui lòng để lại bình luận dưới bài viết, mình sẽ trả lời ngay khi có thể. Chúc bạn nhiều ảnh tốt. Bây giờ phải tạm biệt rồi, cảm ơn đã dành thời gian, bye ha.
hay quá ☺️
Cảm ơn em rất nhiều.