Rất nhiều bạn bước vào con đường nhiếp ảnh với giấc mơ màu hồng. Mình sẽ nổi tiếng, có thật nhiều ảnh đẹp và kiếm tiền một cách dễ dàng. Nhưng có những sự thật trong nhiếp ảnh sớm làm bạn quay về với thực tế. Chúng ít được đề cập đến hoặc mọi người muốn lảng tránh. Mình xin tổng hợp một số sự thật trong nhiếp ảnh để bạn xem cho vui.
Nội dung bài viết
Chụp ảnh không dễ như bạn từng nghĩ
Bạn còn nhớ lần đầu mua máy ảnh DSLR và chụp những bức ảnh đầu tiên? Chúng ta hy vọng có ảnh thật đẹp như trên diễn đàn hay tạp chí chuyên nghiệp. Nhưng rồi sao? Thay vì nhận được những bức ảnh tuyệt đẹp, sự thật làm ta choáng váng. Những bức ảnh đầu tiên quá tệ, xấu hơn chụp tự động trên điện thoại. Thậm chí còn không đủ sáng, nghiêng ngả và mất nét.
Mình còn chẳng biết lấy nét tự động và lắp ống kính như thế nào. Điều này có thể tiếp diễn hàng năm trời, trước khi có ảnh tạm chấp nhận được. Trong thời gian này, bạn phải học đủ thứ lấy nét làm sao, khẩu độ, tốc độ, iso là gì. Đến lúc tạm hiểu những thứ cơ bản. Ảnh của bạn gần như chẳng khác gì chụp từ điện thoại. Chỉ có màu sắc tốt, xóa phông ngon và nét hơn điện thoại một chút mà thôi. Vẫn còn rất nhiều kiến thức phải học để có ảnh tốt hơn. Điều này có làm bạn nản chí không?
Chúng ta rất lười học những thứ cơ bản
Ngay sau khi hiểu khẩu độ, iso, tốc độ là gì. Chúng ta lao vào tìm hiểu cách làm ảnh đẹp thật nhanh. Rất nhiều bạn đã nhắn tin hỏi mình những thứ vô cùng cơ bản trong máy ảnh. Những thứ đáng lẽ phải đọc ngay khi mua máy ảnh. Thì chúng ta lại bỏ qua và đi hỏi thông số chụp ngược sáng là gì, chụp đêm là gì, đo sáng ra làm sao. Trong khi mọi thứ đều có sẵn trong sách hướng dẫn. Đây là kiến thức cơ bản và vô cùng quan trọng. Giúp bạn kiểm soát máy ảnh và xử lý được mọi tình huống một cách dễ dàng
Điều này cũng diễn ra tương tự khi hậu kỳ ảnh. Chúng ta lười đến mức không thể chấp nhận được. Thay vì học từng bước sử dụng Lightroom và Photoshop. Để hiểu ý nghĩa và cách hoạt động của các công cụ. Học để hiểu màu sắc thay đổi như thế nào. Thì chúng ta lại đi xin Preset, Action và Tips để làm cho nhanh. Điều này làm chúng ta mất gốc, lười và không hiểu chuyện gì đang diễn ra. Cho nên, có những bạn cầm máy và Photoshop vài năm. Vẫn không hiểu mình đang làm gì và rất dễ nản chí khi gặp lỗi. Lại phải chạy đi hỏi lung tung mà không tự xử lý được. Bạn có đồng ý với điều này? Có thể bạn cũng lảng tránh như phần lớn những người khác.
Chúng ta là những máy ảnh gia
Bạn có ham muốn sở hữu những máy ảnh mới không? Đừng nói không có chút nào nha? Chúng ta luôn muốn sở hữu thiết bị mới trong khi thiết bị cũ vẫn quá tốt. Chúng ta sẵn sàng đổi máy mới khi khách hàng không đòi hỏi. Sẵn sàng đổi trong khi đang không đủ tiền ăn. Đây là thực tế trong cộng đồng nhiếp ảnh. Chúng ta dễ lạc vào con đường trở thành máy ảnh gia, thay vì trở thành một người chụp ảnh đẹp.
Chúng ta thường tìm đến những cuộc tranh luận, máy nào chụp ảnh ngon hơn. Trong khi chưa được chạm vào nó lần nào. Chúng ta dành hàng giờ để đọc về những chiếc máy ảnh và ống kính mới. Thay vì tìm hiểu về cách sử dụng chiếc máy đang có. Nâng cấp khả năng hậu kỳ của bản thân. Rất nhiều bạn đang rơi vào hoàn cảnh như vậy. Dẫn đến việc, cầm máy xịn chụp cũng tệ như máy đang có mà thôi. Có thể bạn sẽ cảm thấy sướng hơn một chút, nhưng điều đó không làm ảnh của bạn đẹp hơn.
Máy ảnh xịn và ống kính tốt không phải là tất cả
Sau khi đốt tiền và thời gian để trở thành máy ảnh gia. Dù muốn hay không, bạn cũng nhận ra thiết bị tốt không phải là tất cả. Đôi khi thiết bị quá xịn làm cuộc vui nhiếp ảnh nặng nề hơn mà thôi.
Bạn còn nhớ niềm vui lần đầu sử dụng máy Crop và Lens kit không? Chắc hẳn vẫn còn như mới trong tâm trí của bạn. Bạn thoải mái chụp những gì mình thích mà không phải đắn đo quá nhiều.
Sau cuộc chạy đua thiết bị, bạn nhận thấy đồ xịn không phải là tất cả. Máy 100 triệu với máy 10 triệu cho ảnh cũng chẳng khác nhau là mấy. Chúng ta so đo về iso, độ nét, màu sắc. Ok, so kiểu này thì máy 10 triệu kém hơn đôi chút với máy 100 rồi. Đây là thứ nhiều người còn chẳng cảm nhận được. Khi bạn thiết bị quá xịn, còn tạo ra áp lực phải có ảnh đẹp.
Nhưng thực tế là ảnh của bạn vẫn vậy, vẫn góc nhìn như cũ, bố cục cũ và hậu kỳ quá tệ. Bởi vì bạn đã tốn quá nhiều thời gian cho thiết bị. Mà quên nâng cấp kỹ năng chụp ảnh và mắt thẩm mỹ. Như vậy chúng ta đã thấy những sự thật trong nhiếp ảnh. Mà rất nhiều người muốn lảng tránh.
Bỏ tiền thuê mẫu để chụp ảnh
Mỗi ngày, chúng ta thấy vô số ảnh người mẫu đẹp trên các nhóm nhiếp ảnh. Thậm chí trên các trang của Studio ảnh cưới. Những người mới nghĩ rằng điều đó thật tuyệt. Chúng ta có thể chụp ảnh người đẹp và kiếm tiền từ công việc này. Nhưng khi nhảy vào lại khác hoàn toàn.
Rất nhiều bạn bỏ tiền mua máy ảnh, học hậu kỳ và thuê mẫu để chụp. Quá tốn kém và mệt người. Chỉ để có ảnh đẹp đăng lên Facebook hoặc quảng cáo. Rất nhiều bạn của mình đã từng như vậy. Nếu bạn rất dư tiền và chụp ảnh cho vui thì không có gì để bàn. Nhưng với những người chưa có điều kiện. Đây là một con đường quá mệt mỏi và tốn kém. Bạn có thể chụp rất nhiều thứ khác để con đường nhiếp ảnh vui vẻ hơn.
Chụp ảnh người mẫu quá dễ
Bạn dễ nhận thấy, đi học chụp ảnh với người mẫu quá dễ phải không? Hoặc chụp những người mẫu tại Show thời trang. Mọi thứ diễn ra quá đơn giản và hoàn hảo tới mức khó tin.
Không phải tay nghề bạn mới lên Level mới đâu. Mà do người mẫu quá đẹp đấy. Mọi thứ được sắp đặt hoàn hảo chỉ chờ bạn bấm máy. Những người mẫu chuyên nghiệp hiểu bạn muốn gì. Thậm chí, bạn chẳng cần nói lời nào mà vẫn có góc chụp tuyệt vời. Ánh mắt cuốn hút đến điện dại.
Rồi cho bạn mộng tưởng là mình lên Level mới. Nhưng sự thật đang đợi bạn phía trước. Chúng ta dễ bàng hoàng và thất vọng khi chụp người thường. Những người bạn, những người thuê chúng ta chụp ảnh. Rất khó để nắm bắt tâm lý, chọn góc chụp, trang điểm sao cho đẹp. Quan trọng hơn cả, người bình thường không đẹp như người mẫu. Bức ảnh của bạn sẽ trở nên kém xa tít so với những lần đi học trước đây. Đừng buồn vì đây là thực tế, khắc phục được bạn sẽ là chuyên gia.
Chụp ảnh kiếm tiền không dễ chút nào
Vào mỗi dịp lễ Tết, chúng ta thấy rất nhiều người đăng trạng thái. Đi chụp ảnh cho ai đó và kèm một sấp tiền bên cạnh. Điều này có làm bạn mơ mộng về con đường nhiếp ảnh? Có dễ kiếm tiền như vậy không? Nếu bạn không phải chuyên gia số 1 trong làng nhiếp ảnh. Thì kiếm tiền từ chụp ảnh không dễ chút nào.
Trường hợp bạn nhận được Job chụp ảnh. Vác máy đi chụp mệt phờ người ra đó, chưa biết khi nào nhận được tiền. Đi chụp mẫu thì khả năng rất cao là không tiền rồi đó. Còn chụp event thì rất mệt mà cũng không được bao nhiêu. Trong khi bị các Studio cạnh tranh rất khốc liệt. Vậy, hãy cứ mơ mộng bạn sẽ kiếm được tiền từ chụp ảnh. Nhưng cũng chuẩn bị tâm lý cho những ngày đói kém.
Vỡ mộng với nhiếp ảnh
Chúng ta dễ thất vọng sau một thời gian tìm hiểu nhiếp ảnh. Một phần do quá nhiều thứ phải học để sử dụng máy ảnh và hậu kỳ. Một phần quá tốn kém cho thiết bị. Sau đó là quá khó để kiếm tiền từ chụp ảnh.
Nếu không giải quyết được hai vấn đề, là thu nhập từ nhiếp ảnh và nâng cao kỹ năng. Thì giấc mơ màu hồng ngày càng xa dần. Trong khi bạn bè có điều kiện nâng cấp liên tục. Riêng ta ở lại với những thứ cũ kỹ, áp lực lại trở nên nặng nề hơn bao giờ hết.
Nhưng rồi sao, bạn muốn từ bỏ hay tiếp tục. Đối với bản thân mình, mình thấy nên ngồi lại suy nghĩ. Nhớ về mục tiêu đơn giản nhất mà ngày đầu tiên đã chọn. Hãy tiếp tục chụp ảnh với những gì bạn đang có và nâng cao kỹ năng.
Hiện tại có rất nhiều cách để chụp ảnh trở nên vui hơn. Thay vì so đo thiết bị và đi chụp ảnh thuê. Ok, như vậy mình đã chia sẻ những sự thật trong nhiếp ảnh. Hy vọng bạn có góc nhìn đầy đủ hơn về bộ môn này. Tiếp tục chụp thật nhiều nha. Cảm ơn bạn đã dành thời gian tham khảo.
Cảm ơn anh vì bài viết này. Em thích dòng máy MFT của Olympus. Khi có điều kiện em sẽ sắp một máy và cố gắng tận dụng nó kể cả lens kit. Nâng cao khả năng hậu kì. Em mới biết hậu kì còn quan trọng hơn việc chụp nữa. Chúc anh luôn vui khoẻ!
Chào Phúc
Chúc em nhiều ảnh đẹp.
Cảm ơn em đã ghé chơi.